Tuồng không chuyên trước mùa lưu diễn
Tháng Giêng, tháng hai là mùa lưu diễn sôi động nhất trong năm của tuồng không chuyên. Dù đã có nhiều hợp đồng biểu diễn, nhưng các đoàn đang lo lắng tình hình dịch Covid-19 sẽ khiến sân khấu không được sáng đèn phục vụ nhân dân.
Một đêm diễn của đoàn tuồng Trần Quang Diệu tại Quy Nhơn vào tháng 6.2020, sau đó đoàn nghỉ diễn cho đến nay.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng chục đoàn tuồng không chuyên. Hơn một tháng qua, trưởng các đoàn tuồng bắt đầu “chạy tờ” (ký hợp đồng biểu diễn). Ngoài việc tiếp tục trông cậy vào các điểm diễn quen thuộc nơi các đoàn đã gầy dựng được mối quan hệ, chinh phục khán giả nhiều năm qua, nhờ chịu khó kết nối, liên hệ một số đoàn còn tìm thêm được điểm diễn mới.
Hai ngày trước, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Kim Huệ (đang được đề nghị xét tặng Nghệ nhân ưu tú) ở KV Hòa Nghi, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn, đúng vào lúc chị đang mở kho kiểm tra lại trang phục, đạo cụ chuẩn bị cho mùa lưu diễn của đoàn tuồng Sao Mai (thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh). Hai vợ chồng nghệ nhân Kim Huệ đảm nhiệm vai trò Trưởng, Phó đoàn tuồng Sao Mai nên đè nặng nỗi lo hơn trong tình hình khó khăn của các đoàn tuồng không chuyên bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nghệ nhân Kim Huệ thở dài: “Dịp tết Âm lịch năm ngoái, đoàn mới diễn được ít đêm thì xảy ra đại dịch nên nghỉ cho đến nay. Trang phục, đạo cụ biểu diễn nằm im lìm trong kho cả năm trời. Tết sắp đến, bên cạnh những điểm diễn năm ngoái chưa diễn được họ vẫn giữ lại hợp đồng mời đoàn về biểu diễn, thì chồng tôi cũng vất vả đi chạy tờ mới. Có thôn người dân đã góp tiền tổ chức hát tuồng ngày xuân như mọi năm, nhưng vẫn còn lưỡng lự chưa quyết ký hợp đồng bởi lo tình hình dịch. Đoàn dự kiến cũng có hơn chục suất diễn trong tháng Giêng, nhưng hiện nay tình dịch bệnh như vậy thì chúng tôi cũng chưa biết sân khấu có được sáng đèn không…”.
Đến nay, có được nhiều “tờ” nhất là đoàn tuồng An Nhơn II (thuộc sự quản lý của Phòng VH&TT TX An Nhơn), với lịch diễn dự kiến tiếp nối ở các địa phương: Xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ (mùng 1 Tết); xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (mùng 4 Tết); xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (mùng 10); phường Nhơn Hưng (16 tháng Giêng), phường Đập Đá (19, 20 tháng Giêng), TX An Nhơn. “Chỉ tính trong tháng Giêng tới, tôi đã ký được hợp đồng tổng cộng 21 suất diễn ở các địa phương trong tỉnh. Thù lao tôi trả cho diễn viên tùy theo vai chính, phụ mà từ 400 - 600 nghìn đồng/đêm diễn, nên anh, chị, em nếu được diễn sẽ có nguồn thu nhập đáng kể trong đầu năm mới. Điều quan trọng nữa là chúng tôi được “giải tỏa” nỗi nhớ nghề, được tiếp tục cống hiến phục vụ cho khán giả mộ tuồng, sau khi mùa lưu diễn năm ngoái chỉ mới diễn được rất ít so với mọi năm bởi đại dịch. Cả đoàn vẫn đang thấp thỏm trông chờ vào diễn biến tình hình dịch...”, nghệ nhân Kiều Oanh (đang được đề nghị xét tặng Nghệ nhân ưu tú), Trưởng đoàn đoàn tuồng An Nhơn II, chia sẻ.
Đoàn tuồng Trần Quang Diệu (thuộc sự quản lý của Phòng VH&TT TP Quy Nhơn) cũng “dày tờ” trong tháng Giêng tới, khi đã ký được hợp đồng 15 suất diễn (bắt đầu từ mùng 2 Tết) dự kiến ở Quy Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ. Đoàn đã chuẩn bị thêm trang phục, đạo cụ mới đẹp hơn, thông báo diễn viên chuẩn bị sẵn sàng phục vụ. Dù vậy cũng như tình hình chung, Đoàn khá âu lo trước diễn biến phức tạp của dịch. Trưa ngày 1.2, nghệ nhân Phan Ngọc Bạn, Trưởng đoàn tuồng Trần Quang Diệu, chia sẻ: “Bỏ công sức đi nhiều nơi để chạy tờ, giờ lại ăn không ngon ngủ không yên trước tình hình dịch... Dù khó khăn thế nào, mình cũng động viên diễn viên, nhạc công cố gắng tiếp tục gắn bó với nghề, lạc quan chờ đợi được biểu diễn khi được các cấp chính quyền cho phép. Nhiều tháng qua không được diễn, chúng tôi rất bứt rứt, nhớ sân khấu và khán giả lắm !”.
Thấp thỏm lo âu cũng là tình hình chung của các đoàn tuồng không chuyên đã ít nhiều cầm trong tay hợp đồng biểu diễn ở các địa phương. Hàng trăm nghệ nhân “chân đất” đang trông chờ dịch bệnh mau chóng được kiểm soát, để tiếng trống chầu lại rộn rã ngày xuân.
Bài, ảnh: HOÀI THU