Thêm tư liệu quý về Tây Sơn - Bình Định
Bình Định chuyện xưa - Tuy Viễn dấu cũ (NXB Hội Nhà văn, 2020) là tập biên khảo của tác giả Phan Trường Nghị (sinh năm 1956, quê ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) vừa ra mắt bạn đọc.
Sách dày với gần 300 trang được cấu trúc thành 2 chương: Bình Định chuyện xưa; Tuy Viễn dấu cũ, tập hợp 23 bài viết của tác giả về đất và người Bình Định. Những chuyện xưa dấu cũ, từ vùng đất Tây Sơn hun đúc nên khí chất người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đến những mênh mông của trầm tích văn hóa Bình Định còn lắm gợi ẩn, một phần hiện diện trong tập sách này của Phan Trường Nghị.
Cuốn sách tập trung sưu khảo địa chí phần phía Nam của Bình Định. Nhiều bài viết giúp người đọc hiểu thêm về một vùng đất, về một con người, giúp người đọc bắt một nhịp cầu với quá khứ, để len trong dòng chảy đó mà thấm những ngậm ngùi sương gió hay hào khí, cốt cách một thời.
Và có những bài viết, từ những điều tưởng như đã cũ, đã mông mênh đáp giải, tác giả đưa ra những luận cứ xác đáng, điểm nhìn lý thú. Ví như trong bài “Thêm mắm thêm muối chuyện xứ Nẫu”, tác giả lý giải nguồn gốc của từ nẫu - “nẫu là do nậu mà ra”. “Nậu” ở đây theo tác giả là “tập hợp một nhóm nhỏ cùng chung một nghề, một công việc, nên với thời kỳ khai phá đất, nó dễ cập nhật thành tên gọi một cấp hành chính chỉ có năm mười nóc nhà”. Tại sao Nậu lại trở thành Nẫu và vì sao gọi người Bình Định và Phú Yên là dân Nẫu, đã được tác giả luận giải trong bài viết. Và điểm thú vị khi anh trưng ra bài thơ “Gửi em người xứ nẫu” của Đỗ Kinh Thi mà phương ngữ nẫu có khả năng diễn đạt được cả ba ngôi nhân vật: “Nẫu (nàng) khoe xứ nẫu (nàng) đẹp xinh/ Nẫu (ta) về xứ nẫu (nàng) tỏ tình làm thơ/ Nẫu (người) mong nẫu (kẻ) đợi nẫu (chúng) chờ/ Nẫu (nàng) đà có nẫu (bạn)! ngẩn ngơ nẫu (ta) buồn.
Bình Định chuyện xưa - Tuy Viễn dấu cũ là tập sách đầu tay của Phan Trường Nghị. Tiếp cận với sách, người đọc sẽ hiểu độ tin cậy những kết quả điền dã công phu, sự tra cứu, đối chiếu nghiêm túc trên nền tư liệu rõ ràng. Sách góp thêm nhiều tư liệu thú vị cho những ai quan tâm về Tây Sơn và Bình Định.
VÂN PHI