Vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam
Bộ KH-ĐT cho biết, tính trong tháng 1.2021, có hơn 300 doanh nghiệp (DN) nước ngoài quan tâm, tìm hiểu để đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn ở châu Á.
Sản xuất linh kiện IC bán dẫn tại Công ty Mtex (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều lợi thế
Theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist Intelligence Unit (Vương quốc Anh), những yếu tố giúp Việt Nam hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài là tăng trưởng kinh tế đạt 4,5% trong quý cuối cùng của năm 2020, nâng mức tăng trưởng bình quân năm 2020 đạt 2,9%, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới; sản xuất công nghiệp ổn định, doanh số bán lẻ tiếp tục được mở rộng vững chắc, với tốc độ tăng trưởng gần mức trước đại dịch; chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh; nguồn cung hàng hóa thiết yếu tuy có biến động trong khoảng thời gian ngắn ở đợt dịch đầu tiên (tháng 4.2020) nhưng nhanh chóng được bình ổn, trật tự xã hội cũng vì vậy được duy trì ổn định. Ngoài ra, lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết đang là động lực hấp dẫn DN quốc tế thành lập các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại đây.
Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra thêm, ngay khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng 10, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng tín dụng dù ở mức nhẹ; kết thúc năm 2020 ở mức 10,1%. Việc đấu giá, cấp quyền sử dụng đất và cho thuê đất đã cải thiện nguồn thu nhà nước trong quý cuối năm 2020, đồng thời thanh khoản dồi dào tiếp tục làm giảm chi phí đi vay của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đạt thành công bước đầu trong nghiên cứu một số vaccine Covid-19 vào cuối năm 2020 đã nâng triển vọng phục hồi của các ngành kinh tế trong nước, nhất là ngành du lịch và hàng không - vốn là 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay.
Trong năm 2020, dù đối mặt với đại dịch, Việt Nam cũng đã thu hút 28,5 tỷ USD vốn FDI. Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), đánh giá, tuy tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam năm 2020 chỉ tương đương 75% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng là mức rất cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, với khả năng kiểm soát tốt tình hình dịch như hiện nay, dòng vốn FDI từ các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ dịch chuyển mạnh sang Việt Nam trong năm 2021.
Thu hút có chọn lọc
Cũng theo ông Takeo Nakajima, Việt Nam không chỉ có môi trường đầu tư an toàn, ổn định mà dư địa thị trường nội địa cũng rất hấp dẫn. Sự dịch chuyển đầu tư của Tập đoàn Panasonic là một minh chứng cho vấn đề này. Người phát ngôn của Tập đoàn Panasonic cho biết, DN có quyết định chuyển dịch nhà máy sản xuất tại Thái Lan sang Việt Nam từ đầu năm 2020, tuy nhiên, việc dịch chuyển này nằm trong đánh giá tiềm năng thị trường và không liên quan đến đại dịch Covid-19. Đơn cử, chỉ tính riêng sản phẩm tủ lạnh và máy giặt tiêu thụ năm 2019, tại Việt Nam là 2,8 triệu tủ lạnh và 2,27 triệu máy giặt, cao hơn rất nhiều so với thị trường Thái Lan (1,92 triệu tủ lạnh và 1,75 triệu máy giặt). Những nghiên cứu của DN này còn cho thấy, Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng hơn về doanh số. Cụ thể, tại Thái Lan, có đến 92% hộ gia đình sở hữu tủ lạnh và 70% có máy giặt. Trong khi đó, tại Việt Nam tỷ lệ này lần lượt là 74% và 40%...
Cùng đó, những chính sách ưu đãi đầu tư mà Chính phủ áp dụng thời gian qua đã tạo cho Việt Nam có nhiều ưu thế về sản xuất. Chẳng hạn, DN công nghệ cao được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất; miễn thuế với hàng hóa nhập khẩu để gia công, hàng hóa để tạo tài sản cố định đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư và dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Ngoài ra, chi phí lao động của Việt Nam dù đã tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng vẫn bằng khoảng 60% so với các nước trong khu vực. Theo giới chuyên gia, vấn đề còn lại là Việt Nam cần bổ sung nhanh nguồn lao động chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm kết hợp hoàn thiện hệ thống pháp luật để phòng chống chuyển giá. Trong đó, tập trung vào các DN FDI báo lỗ nhiều năm nhưng vẫn không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, cũng như thị phần tiêu thụ trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, lưu ý, cần chắt lọc thu hút nguồn vốn FDI. Chỉ ưu tiên thu hút DN sản xuất công nghệ cao, sản xuất nguyên phụ liệu bổ sung vào chuỗi cung ứng sản xuất ngành chủ lực mà trong nước còn thiếu. Mặt khác, thắt chặt kiểm soát gian lận thương mại, đánh tráo xuất xứ để ngăn chặn nguy cơ DN bị các thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đây cũng là cơ sở nền tảng để tạo sức bật cho DN trong nước nâng cao năng lực sản xuất, tăng tốc phát triển thị phần, nhất là trong khoảng thời gian “vàng” (được miễn, giảm nhiều loại thuế) mà các FTA đang mang lại cho DN Việt.
Theo ÁI VÂN (SGGP)