Sàng lọc trước sinh và sơ sinh:
Còn nhiều trở ngại
Sau hơn 3 năm triển khai Ðề án sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS), tỉ lệ đối tượng được sàng lọc có chiều hướng tăng dần, nhưng chưa đồng đều ở các địa phương. Ðồng thời, vẫn còn đó nhiều trở ngại, khiến số đối tượng hưởng lợi từ Ðề án chưa được mở rộng.
Chênh lệch
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), trong năm 2013, số trẻ được sinh sống là 17.602, trong đó có 2.049 trẻ được lấy máu gót chân để SLSS, đạt 11,6%, tăng 3,6% so với năm 2012. Kết quả, có 27 trẻ nghi ngờ bất thường, 9 trẻ được chẩn đoán xác định bệnh (suy giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD).
Điều đáng chú ý là, số lượng trẻ được SLSS ở các địa phương có sự chênh lệch rất lớn. Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Phù Cát có số trẻ được SLSS trên 200 ca; trong đó cao nhất là Phù Cát (474 ca), kế đến là Hoài Nhơn (339 ca). Tuy nhiên, có đến 4 địa phương chỉ có chưa đầy 100 ca SLSS. Trong số này, thị xã An Nhơn được giao chỉ tiêu 180 ca, nhưng chỉ thực hiện được… 13 ca!
Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn là nơi triển khai tốt Đề án SLTS và SLSS.
- Trong ảnh: Nhân viên của Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn thực hiện lấy máu gót chân để SLSS.
Sự mất cân đối cũng thể hiện rõ ở SLTS. Tính đến 31.12.2013, toàn tỉnh có 19.903 bà mẹ mang thai, có 124 người mang thai từ 11 đến 14 tuần được lấy máu ngón tay để SLTS, đạt 0,6%, tăng 0,3% so với năm 2011; trong đó có 9 trường hợp nghi ngờ bệnh. Nhiều địa phương có số lượng thực hiện khá cao như Hoài Nhơn (31 ca), Phù Cát (30 ca), Vân Canh (20 ca)… Nhưng, cũng có đến 5 địa phương không làm được ca nào, là An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh.
Tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn, Đề án SLTS và SLSS được triển khai hiệu quả. Theo Phó khoa Ngoại - Sản Phùng Thị Mai Loan, việc SLTS bằng siêu âm đo độ mờ da gáy khó thực hiện và mất khá nhiều thời gian, nhưng các cán bộ y tế ở đây vẫn không ngại, bởi đây là hoạt động rất cần thiết cho cộng đồng. “100% số đối tượng được tư vấn đều chấp nhận thực hiện sàng lọc, giúp chúng tôi triển khai tốt Đề án”, bác sĩ Loan cho biết.
Trong năm 2013, đã có 7 bác sĩ của BVĐK khu vực Bồng Sơn, BVĐK khu vực Phú Phong và các Trung tâm Y tế An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân được tham gia lớp tập huấn về siêu âm SLTS tại Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Đại học Y dược Huế). Theo bà Phan Thị Thu Hương, Trưởng phòng Truyền thông - Giáo dục (Chi cục DS-KHHGĐ), với lực lượng này, hoạt động SLTS sẽ được triển khai đồng bộ hơn.
Vẫn “vướng” quy định
Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Quang, đối tượng được hỗ trợ sàng lọc được quy định tại Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BTC-BYT là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có công cách mạng, người dân tộc thiểu số sống tại các xã đặc biệt khó khăn, người dân ở các xã thuộc đề án dân số biển. Chính quy định này đã “làm khó” cho việc mở rộng phạm vi thực hiện của Đề án.
“Ðể nâng cao hiệu quả Ðề án SLTS và SLSS, đòi hỏi cán bộ y tế phải thật nhiệt tình, chuyên trách và cộng tác viên dân số phải thật sự chịu khó trong công tác vận động, quản lý đối tượng”.
Bà PHAN THỊ THU HƯƠNG, Trưởng phòng Truyền thông- Giáo dục, Chi cục DS-KHHGĐ
Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn, cho rằng, số đối tượng được sàng lọc miễn phí thuộc hộ nghèo và cận nghèo, sau sàng lọc rất khó vận động họ tiếp tục làm các xét nghiệm chẩn đoán hay chữa trị khi có kết quả chẩn đoán.
Đơn cử, trong năm 2013, có 1 trẻ được BVĐK tỉnh chẩn đoán suy giáp bẩm sinh. Để tạo điều kiện cho trẻ được chữa bệnh sớm, Chi cục DS-KHHGĐ đã liên hệ với Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để chữa bệnh miễn phí cho đối tượng này. Dù chuyên trách dân số xã và huyện nhắc nhở nhiều lần, nhưng người nhà vẫn không đưa trẻ ra Huế, làm lỡ cơ hội được chữa trị trong 3 tháng đầu sau sinh.
“Số trẻ nghi ngờ thiếu men G6PD nhiều, nhưng tại tỉnh ta chưa thực hiện được dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán. Trong khi đó, các cơ sở y tế có thể thực hiện được lại ở xa, đối tượng ngại khổ và tốn kém nên không theo tới cùng. Xét nghiệm chẩn đoán bệnh thiếu men G6PD phải dùng máu ở dạng lỏng, mà bưu điện không vận chuyển chất lỏng nên chúng tôi cũng không thể gửi mẫu ra Huế làm được”, bà Hương phân tích.
Trước mắt, để cải thiện tình hình, cán bộ các trung tâm DS-KHHGĐ được tập huấn kỹ năng truyền thông, quản lý Đề án. Bên cạnh đó là tập huấn SLTS và SLSS cho cán bộ, nhân viên y tế; trang bị máy móc cần thiết. “Chúng tôi đã và sẽ tăng cường giám sát hoạt động của Đề án tại các trung tâm y tế, trung tâm DS-KHHGĐ và đến thăm một số trường hợp có nguy cơ cao. Đồng thời, chỉ đạo trung tâm DS-KHHGĐ các địa phương đến thăm các trường hợp có nguy cơ cao từ khi triển khai Đề án đến nay, tư vấn cách chăm sóc, các xét nghiệm chẩn đoán cần làm tiếp theo…”, ông Quang cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG