Coi chừng cúm A!
Theo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về phòng chống dịch, hiện nay nguy cơ dịch cúm A (H7N9) từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Trong tuần đầu tiên năm 2014, Trung Quốc đã có thêm 14 ca mắc, số tử vong tăng lên 51 người, dịch cúm lan rộng xuống các tỉnh phía nam giáp nước ta.
Đáng lo ngại hơn là dịch không chỉ xảy ra ở nội địa Trung Quốc mà xuất hiện ở cả Hồng Kông, Đài Loan do lan truyền, tán phát từ các ổ dịch. Theo các nhà chuyên môn, virus cúm A (H7N9) rất khó phát hiện vì chúng lưu hành trên đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện. Trong khi đó, việc buôn bán, vận chuyển gia cầm giữa hai nước chưa được kiểm soát tốt; gia cầm nhập lậu tăng trong dịp Tết Giáp Ngọ. Mặc dù hiện nay Việt Nam chưa có ca bệnh nào nhưng việc giao lưu đi lại, buôn bán giữa hai nước rất lớn. Vì thế, có nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào.
Và không chỉ phải đối mặt với mối nguy dịch cúm H7N9, chúng ta còn có mối lo ngại nữa là các loại dịch cúm A khác như H5N1, H1N1, H9N2… do chúng cũng đang diễn biến phức tạp. Đầu tháng 1 vừa qua, virus cúm H5N1 đã xuất hiện trở lại trên đàn gia cầm ở tỉnh Bắc Ninh; qua kiểm tra 147 chợ gia cầm ở 44 tỉnh, thành từ năm 2013 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 90 chợ có gia cầm dương tính với cúm H5N1, chiếm trên 60%.
Trước tình hình số người mắc và chết do cúm A (H7N9) tại Trung Quốc tiếp tục gia tăng, dịch cúm tiến sát biên giới Việt Nam, mới đây Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về phòng chống dịch đã họp khẩn để bàn biện pháp ứng phó. Bộ Y tế đã yêu cầu giám sát chặt chẽ hành khách, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh tại các cửa khẩu, đặc biệt là khu vực biên giới phía bắc...; Thủ tướng có công điện khẩn yêu cầu các địa phương triển khai gấp biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhập và bùng phát. Hiện tại, khách nhập cảnh vào Việt Nam vẫn đang được theo dõi thân nhiệt nhằm phát hiện sớm và cách ly người bị sốt, phát hiện sớm ca bệnh.
Tại Việt Nam, tuy chưa phát hiện mẫu virus cúm H7N9 trên người và gia cầm, nhưng tập tục chăn nuôi nhỏ lẻ và giết mổ - mua bán gia cầm sống tại chợ khiến dịch dễ xâm nhập sang người nếu xuất hiện trên gia cầm. Do đó, ngành y tế đã khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm bệnh, chết. Khi giết mổ gia cầm sống phải có trang bị bảo hộ phòng dịch như găng tay, rửa tay sạch sau khi chế biến gia cầm…
Tuy nhiên, điều khó khăn là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, số lượng gia cầm, thủy cầm tiêu thụ sẽ tăng mạnh, các chợ gia cầm sống nhỏ lẻ sẽ xuất hiện nhiều trong những ngày giáp tết và sau tết, nguy cơ dịch bùng phát (cúm H7N9, H5N1) là không nhỏ. Điều đáng quan tâm hơn nếu để dịch xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn về kinh tế và sức khỏe của người dân và cả xã hội. Vì vậy, ngay từ bây giờ, giữa bộn bề công việc của việc chuẩn bị đón tết, các cấp, các ngành và mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên người và cả trên gia cầm để có thể đón tết, vui xuân an toàn và trọn vẹn niềm vui.
Vĩnh An