Sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo
Sau thời gian nghiên cứu, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (BIAST - thuộc Sở KH&CN) đã làm chủ quy trình sản xuất giống nấm đông trùng hạ thảo, tạo ra nguồn giống chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất tại địa phương.
Nhiều khách hàng quan tâm sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của BIAST tại hội thảo giới thiệu sản phẩm cuối tháng 12.2020.
Nấm đông trùng hạ thảo là loại đông dược quý, chứa 17 axit amin, nhiều vitamin, khoáng chất và hợp chất thiết yếu. Nhu cầu về loại nấm quý hiếm này rất lớn, song trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào sản xuất giống. Xuất phát từ thực tế đó, BIAST đã triển khai đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến một số sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại tỉnh Bình Định”, triển khai từ tháng 11.2019 - 10.2021.
Sau hơn 1 năm triển khai, với hỗ trợ về giống và kỹ thuật từ Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp), BIAST đã hoàn thiện 3 quy trình kỹ thuật: Nhân giống gốc, nhân giống thương phẩm (giống cấp I và cấp II), nuôi trồng và sơ chế nấm đông trùng hạ thảo. Qua đó, cho ra mắt các dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo được cấy trên giá thể nhộng tằm và gạo lứt.
Th.S Cao Hoàng Trình, Phụ trách bộ môn nấm ăn và nấm dược liệu của Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN (thuộc BIAST), chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết: Từ quả thể nấm đông trùng hạ thảo tiếp nhận của Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Nấm, chúng tôi đã phân lập các chủng giống gốc và tiến hành nhân giống cấp I, cấp II trong môi trường nhân tạo. Đến nay, trạm đã làm chủ quy trình công nghệ từ khâu phân lập nhân giống, giữ giống, sản xuất giống đến bảo quản, chế biến nấm và chủ động sản xuất một số sản phẩm từ loại nấm quý hiếm này. Hai sản phẩm đã được chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo là quả thể đông trùng hạ thảo sấy khô và rượu đông trùng hạ thảo.
“Quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã điều chỉnh các yếu tố của phòng nuôi cấy và nguyên liệu đầu vào nhằm tạo ra những quả thể nấm đạt chất lượng, phù hợp điều kiện khí hậu tại Bình Định mà vẫn đảm bảo chất lượng nấm với hàm lượng dược chất tương đương một số sản phẩm tự nhiên cùng loại. Sản phẩm quả thể sấy khô theo phương pháp sấy thăng hoa ở nhiệt độ hơn -100°C giữ nguyên hàm lượng dược chất và dinh dưỡng ban đầu. Hiện nay, việc sản xuất các sản phẩm đang được thực hiện trên quy mô thử nghiệm năng suất khoảng 30 - 50 kg đông trùng hạ thảo tươi và 1.000 chai rượu mỗi tháng”, Th.S Trình cho biết thêm.
Th.S Cao Hoàng Trình kiểm tra tốc độ sinh trưởng của nấm đông trùng hạ thảo trong phòng lạnh.
Trong nghiên cứu, năm nay đơn vị sẽ phối hợp Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh hoàn thiện quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo dạng viên (viên hoàn cứng). Song song đó, Trung tâm cũng đang hoàn tất hồ sơ để được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm ra thị trường, đồng thời hướng đến chuyển giao công nghệ cho các hộ dân và DN có nhu cầu.
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Giám đốc BIAST, cho hay: Từ thành công ban đầu, đơn vị đang có kế hoạch nâng quy mô sản xuất, đẩy mạnh sản xuất giống cấp I để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, và phối hợp với Công ty CP Dịch vụ KH&CN Bình Định giới thiệu, đưa sản phẩm ra thị trường.
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN đánh giá: Nấm đông trùng hạ thảo do BIAST sản xuất được chuẩn hóa từ nhiều nghiên cứu nhằm tạo ra công thức tối ưu nhất phù hợp với điều kiện môi trường của Bình Định, quả thể nấm thu được đạt năng suất và chất lượng tốt nhất. Việc nuôi cấy thành công giống nấm đông trùng hạ thảo đã tạo cơ hội để BIAST phát triển mở rộng sản xuất, cung ứng ra thị trường nguồn dược liệu quý, cũng là một hướng mở cho DN, người dân có nhu cầu chuyển giao sản xuất, phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: HỒNG HÀ