Ðồng bộ trong cơ giới hóa nông nghiệp
Đây là nội dung được quan tâm tại diễn đàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng Duyên hải Nam Trung bộ do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức cuối tháng 12.2020. Trong 200 đại biểu tham gia đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, không chỉ có các cán bộ quản lý ngành Nông nghiệp mà còn có HTXNN, nông dân.
Theo thống kê, vùng Duyên hải Nam Trung bộ có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 1,2 triệu ha; trong đó, hơn 729 ha lúa, hơn 55.300 ha rau màu. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng cây màu phù hợp thời gian qua tại các địa phương của vùng được triển khai hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập. Quan trọng hơn, quá trình chuyển đổi ấy, nông dân từng bước ứng dụng tiến bộ KHKT, ứng dụng cơ giới hóa… để sản xuất.
Tuy vậy, trừ một số vùng chuyên canh, diện tích cây màu chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, việc ứng dụng cơ giới hóa chưa đồng bộ nên chi phí sản xuất vẫn cao. Ông Đỗ Hồng Quân, Giám đốc Công ty CP TVĐT&DV Nông nghiệp Việt Nam, nêu vấn đề: Chúng tôi chuyên sản xuất các loại máy móc, thiết bị đồng bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp và chuyên sản xuất chuỗi khép kín về đậu phụng, nhưng khi hỗ trợ máy móc cho nông dân ứng dụng thì chưa đồng bộ được. Bởi, bà con chỉ ứng dụng máy móc trong khâu làm đất, tách vỏ đậu phụng, còn việc thu hoạch vẫn làm theo phương pháp thủ công; mặt ruộng đậu phụng chỗ lồi, chỗ lõm, chỗ cao, chỗ thấp, diện tích nhỏ nên không thể đưa máy vào thu hoạch. Chúng ta không chỉ thiết lập chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nông dân mà ngay hạ tầng vùng sản xuất phải được chú trọng quy hoạch bài bản, có như vậy mới phát huy hiệu quả cơ giới hóa đồng bộ.
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, biến đổi khí hậu, vùng Duyên hải Nam Trung bộ thường xuyên xảy ra lũ lụt, hạn hán, đặc biệt vụ Hè Thu nguy cơ thiếu nước tưới trầm trọng thường trực tại nhiều địa phương. Trong câu chuyện sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề đã được nhận diện là cần thiết chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn để tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất lúa, trong đó tất yếu phải ứng dụng KHKT, cơ giới hóa. Muốn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, đâu chỉ cần quy hoạch tiểu vùng, phân vùng sản xuất nông nghiệp một cách cụ thể; đẩy mạnh mối liên kết chuỗi giá trị sản xuất đến tiêu thụ; mà quan trọng nữa là chú trọng mạnh hơn chuyển giao KHKT cho nông dân, liên kết nhà khoa học, nhà quản lý…
ĐOAN NGỌC