Tín dụng chính sách ở huyện An Lão: Góp phần cải thiện điều kiện sống người dân
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng các chương trình tín dụng ưu đãi ở huyện An Lão vẫn được Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và đoàn thể nhận ủy thác tăng cường rà soát, giải ngân cho vay, xử lý nợ, thu lãi.
Huyện An Lão đang triển khai 14/19 chương trình tín dụng chính sách. Để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, Ngân hàng CSXH huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát việc quản lý và bảo toàn vốn; ưu tiên cho vay chương trình giải quyết việc làm, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn...
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện An Lão tổ chức phiên họp quý IV/2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Để phục vụ công tác cho vay, thu nợ và giải quyết các nghiệp vụ khác tại địa phương, Ngân hàng CSXH huyện đã kiện toàn và tối ưu hóa hoạt động 10 điểm giao dịch tại 10 xã, thị trấn. Tại các điểm giao dịch, có niêm yết thông tin về ngày giao dịch, nội quy giao dịch, các chương trình cho vay, danh sách số hộ còn dư nợ trong hạn, quá hạn... Vào một ngày cố định trong tuần (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật), các tổ thực hiện giao dịch lưu động tại trụ sở UBND các xã, thị trấn nhằm giúp các đối tượng vay vốn tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại. Ngoài ra, còn bổ sung một số phiên giao dịch để thực hiện giải ngân, không để tồn đọng vốn. Hằng tháng, Ngân hàng CSXH huyện tổ chức các phiên họp thường kỳ với các tổ tiết kiệm và vay vốn để đánh giá kết quả hoạt động, chỉ ra những tồn tại và nguyên nhân, tìm các giải pháp để tiếp tục triển khai, kiểm tra giám sát, phân bổ nguồn vốn kịp thời cho các xã.
Cùng với đó, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên, Ngân hàng CSXH huyện thành lập 131 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 57 thôn trong toàn huyện, thực hiện ủy thác vay vốn, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thuận lợi trong việc lập hồ sơ vay vốn, thu nộp tiền lãi, tiền gửi; nắm bắt nguyện vọng của hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ lớn nhất với trên 163 tỷ đồng (chiếm hơn 62% tổng dư nợ). Các hộ vay vốn đầu tư phát triển chủ yếu tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi; nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Ông Lê Văn Ảnh (thôn Tân An, xã An Tân), chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ làm ruộng, trồng lúa, bắp. Nhờ được các hội, đoàn thể tư vấn về cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vay vốn, tôi vay của Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng nấm, nuôi 8 con bò sinh sản, 20 con heo, 300 con gà, mỗi năm thu được thêm 100 - 150 triệu đồng. Nhờ vậy đến nay, tôi không những đã trả hết nợ mà còn có đủ vốn và tích lũy để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Đến nay, các tổ chức hội, đoàn thể đang quản lý dư nợ ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện trên 260 tỷ đồng/5.881 hộ vay vốn. Các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành tốt việc trả nợ, trả lãi và phát huy hiệu quả vốn vay, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 43,17% (năm 2015) xuống còn 28,13% (năm 2020).
Ông Đặng Thành Quốc, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện An Lão, cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các hội, đoàn thể tốt hơn để lắng nghe nhu cầu vốn của bà con, tích cực phối hợp với chính quyền, các cơ quan liên quan tư vấn để bà con chọn đúng hướng đầu tư, đạt hiệu quả cao, cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: DIỆP THỊ DIỆU