Mua sắm tài sản công tập trung: Mua sắm linh hoạt, nâng cao tính minh bạch
Năm 2020, Sở Tài chính triển khai 18 gói thầu trực tuyến mua sắm tập trung với tổng dự toán được duyệt là 85,5 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu hơn 83 tỷ đồng, qua đó tiết kiệm ngân sách hơn 2,1 tỷ đồng. Việc này vừa đảm bảo mua sắm tài sản, vừa hạn chế việc tiếp xúc do dịch bệnh Covid-19, góp phần nâng cao tính minh bạch trong quản lý giá và tài sản công.
Thực hiện quy định của UBND tỉnh về mua sắm tài sản tập trung và phân công đơn vị mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh, năm 2020, Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai phối hợp đăng ký mua sắm tập trung đối với các gói tài sản theo quy định (xe ô tô chuyên dùng và xe ô tô chuyên dùng tại đơn vị LLVT phần do ngân sách địa phương bố trí kinh phí; bộ bàn ghế ngồi làm việc; bộ bàn ghế tiếp khách; bộ bàn ghế họp, hội trường; máy tính để bàn (trừ máy tính gắn với máy móc, thiết bị chuyên dùng ngành y tế); máy tính xách tay; máy in; máy photocopy; máy và các thiết bị chiếu; trang thiết bị giáo dục).
Phòng lab để dạy tiếng Anh của Trường Tiểu học số 1 Bồng Sơn được đầu tư thông qua đấu thầu mua sắm tài sản tập trung. Ảnh: THẢO KHUY
Kết quả, năm 2020, đơn vị thực hiện thành công 18 gói thầu mua sắm tài sản tập trung với tổng giá trị trúng thầu hơn 83 tỷ đồng, giảm hơn 2,1 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Trong đó, có 15/18 gói thầu được Sở Tài chính tổ chức lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đảm bảo theo lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng năm 2020 quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ KH&ĐT; chiếm tỷ lệ 83% so với tổng số lượng gói thầu, đảm bảo theo lộ trình quy định năm 2020 đấu thầu qua mạng phải đạt tối thiểu 60%. Tổng giá trị của 15 gói thầu đấu thầu qua mạng đạt 44,4 tỷ đồng, chiếm 53% so với tổng giá trị của 18 gói thầu (dự toán 85,5 tỷ đồng).
Để có kết quả này, năm 2020, Sở Tài chính đã tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng. Sở sớm bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu qua mạng cho các thành viên thuộc Tổ mua sắm tập trung của Sở; đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, cơ sở vật chất hiện đại để đáp ứng phục vụ công tác đấu thầu. Cùng với đó, tổ chức nhân sự của Tổ mua sắm tập trung tại Sở được kiện toàn; đơn vị cũng chủ động phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tỉnh cùng triển khai.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Nhờ mua sắm tập trung, tỉnh tiết kiệm được một khoản đáng kể. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, điều này rất quý. Từ kết quả tích cực đó, năm 2021, chúng tôi đã tiếp tục lên kế hoạch triển khai mua sắm tập trung và tính toán sao cho đạt hiệu quả cao hơn. Để khắc phục hạn chế, bất cập, Sở đã hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị ngay từ đầu năm nhằm rà soát, kiểm tra và chủ động đăng ký để Sở tổng hợp. Sở Tài chính xây dựng kế hoạch mua sắm tập trung 2 đợt/năm để các đơn vị có nhu cầu mua sắm đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch, đáp ứng tốt cho hoạt động chuyên môn.
Theo bà Mai, qua triển khai mua sắm tài sản tập trung, đến nay, nhiều đơn vị gửi hồ sơ đăng ký mua sắm tập trung không đảm bảo đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định hoặc dự toán mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định. Ngoài ra, cá biệt có một số đơn vị phê duyệt dự toán mua sắm hàng hóa thấp hơn so với mặt bằng chung của giá bán hàng hóa có đặc tính, thông số kỹ thuật tương đương trên thị trường… Một số đơn vị ít chủ động trong việc rà soát thực hiện danh mục mua sắm tài sản cần thiết, làm chậm trễ việc đăng ký, tổng hợp danh sách thực hiện mua sắm tập trung. Đây là những “điểm nghẽn” khiến việc mua sắm tài sản tập trung còn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.
THU DỊU