Máy đánh chữ phục vụ kháng chiến
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang lưu giữ một máy đánh chữ làm bằng kim loại (ảnh). Thoạt nhìn đây giống như mọi chiếc máy đánh chữ khác, nhưng điểm đặc biệt là nó từng được sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Sau hiệp định Genève năm 1954, đế quốc Mỹ nhảy vào nước ta, chính quyền tay sai ở miền Nam tổ chức nhiều cuộc đàn áp, khủng bố, tỉnh Bình Định không phải là ngoại lệ.
Trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, quân dân ta tận dụng mọi phương tiện để đấu tranh với kẻ thù. Trong đó, từ năm 1969 - 1972, Huyện đội Phù Mỹ đã sử dụng chiếc máy đánh chữ kể trên để đánh công văn, giấy tờ, tài liệu thông tin tuyên truyền... đáp ứng nhanh yêu cầu khẩn trương chiến đấu.
Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Bình Định nói chung, nhân dân Phù Mỹ nói riêng hăng hái tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vượt qua những khó khăn, gian khổ và anh dũng chiến đấu. Giai đoạn từ năm 1968 - 1972, bên cạnh việc tấn công tiêu diệt ngụy quân, ngụy quyền, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền, LLVT Bình Định đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực và nhân dân mở nhiều chiến dịch tiến công tổng hợp, đỉnh cao là chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, giải phóng 2 huyện và 5 xã phía bắc tỉnh, giành quyền làm chủ vùng đồng bằng các huyện phía nam, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy.
Hiện máy đánh chữ đã cũ, hỏng nhưng nó là biểu tượng của tinh thần đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, được trưng bày ở một vị trí trang trọng tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định.
ĐÌNH PHƯƠNG