Đi chợ cuối năm
Vào dịp cận tết Nguyên đán hằng năm, không khí mua bán ở chợ thường tấp nập, hàng hóa đủ loại nhiều hơn thường ngày. Tuy nhiên, hiện tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp đã dẫn đến sức mua chậm ở các chợ, tiểu thương lo lắng ảnh hưởng đến kinh doanh.
Cận Tết, người dân mua sắm đồ để dâng cúng trên bàn thờ trong nhà.
Theo ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, hoạt động bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu qua kênh chợ truyền thống chiếm khoảng 80%, 20% còn lại qua các kênh ở trung tâm thương mại, siêu thị và các cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán lẻ hộ gia đình. Toàn tỉnh có 180 chợ, trong đó khu vực thành thị có 44 chợ, nông thôn có 136 chợ. Thực tế, chợ truyền thống vẫn là nơi giao thương chủ yếu tại các địa phương.
Năm nay, các tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP Quy Nhơn như: Chợ Lớn mới, chợ Khu 6, chợ Đầm, chợ Khu 2, chợ Dinh… chuẩn bị nhiều mặt hàng phục vụ tết nhưng sức mua chậm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị Hồ Thị Bảy, 54 tuổi, tiểu thương chợ Đầm cho biết: “Năm nay, tôi chỉ đặt hàng 1/2 số lượng bánh kẹo để về bán phục vụ mọi người trong dịp tết. Người đi chợ dù vẫn đông hơn ngày thường nhưng sức mua giảm hơn năm ngoái 30 - 40%. Tôi chỉ mong diễn biến dịch Covid - 19 được kiểm soát thì may ra mới bán hết hàng…”.
Các phiên chợ bình ổn giá “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm nay tiếp tục được triển khai ở một số xã miền núi, khó khăn ở huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân. Các phiên chợ này diễn ra đã nhiều năm nên được người dân chờ đợi để đi mua sắm. Chị Đinh Thị Hoan, thôn 2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân cho biết: “Mấy năm nay, tôi chờ phiên chợ bình ổn giá vào cuối năm mới mua bánh kẹo, dầu ăn, nước mắm để dùng trước, trong và sau tết. Chớ mua ngoài chợ hay tạp hóa giá tăng vài nghìn đồng cho mỗi sản phẩm, mà tết mình lại mua nhiều thứ hơn cho gia đình...”.
Việc đi chợ ngày càng tiện lợi với nhiều hình thức mua bán để lựa chọn. Tuy nhiên, đi mua ở siêu thị, hay đặt hàng online khó có thể cảm nhận hết cái thú vị của không khí chợ những ngày cận Tết, nhất là những mặt hàng chỉ dịp này mới có như những bó lá dong xanh mướt bên cạnh bó lạt đã chẻ sẵn; thau gừng, dừa cắt sẵn, me lột vỏ sẵn ngâm bán; đủ loại bánh mứt nhiều sắc màu… Chị Nguyễn Thị Hương Giang, phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, cho biết: “Tôi là người chuyên bán hàng trên mạng. Việc mua bán thực phẩm tết ở trên mạng diễn ra đầu tháng chạp. Còn ở chợ phải qua 23 tháng Chạp mới thấy hàng hóa tràn ngập nào trái cây, bánh kẹo, dưa kiệu, bánh chưng... Có món gì ngon, lạ hoặc của vùng miền hoặc các loại thực phẩm truyền thống thường dùng trong dịp Tết như bánh thuẫn, bánh in, các loại mứt… mà mình hợp ý thì mua sử dụng và góp phần ủng hộ người làm, người bán những mặt hàng này”.
Bà Phạm Thị Nga đổ bánh thuẫn bán cho khách tại chợ Phú An.
Dù có khó khăn, không khí chợ ở các vùng quê trong tỉnh những ngày qua vẫn nhộn nhịp hơn thường ngày. Chúng tôi ghé thăm chợ Rượu (thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, TX An Nhơn), người dân địa phương có gì đem ra chợ bán nấy như: Vịt, gà, dừa, bánh tráng, bún khô, bánh in… Anh Ngô Quang Lân (40 tuổi), ở thôn Thuận Thái, người bán rượu hiếm hoi tại chợ Rượu kể: “Tôi nghe các cụ lớn tuổi kể lại rằng chợ Rượu có từ lâu lắm rồi, ngày xưa có rất nhiều người nấu rượu bán cả ngày. Hiện nay chỉ có 4 người bán rượu ở chợ. Chợ họp vào buổi sáng là chính, ngày thường tầm 9 - 10 giờ sáng là chợ tan, còn cận Tết nhiều người đi chợ đông hơn nên tôi bán tới trưa kiếm thêm chút tiền lời để sắm sửa tết cho gia đình”.
Tại chợ ở thôn Phú An (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn), bà Phạm Thị Nga (58 tuổi) mang bếp, khuôn bánh, bột ra đổ bánh thuẫn bán ngay tại chỗ bán cho khách. Bà Nga kể: “Ngày thường tôi đổ bánh bán ở nhà. Đến cận tết, tôi đem ra chợ bán được nhiều hơn. Tôi bán bánh thuẫn ở chợ này cũng được 10 năm rồi, còn sức khỏe thì dịp này hằng năm tôi cũng muốn ra đây bán vừa vui vừa đắt hàng”.
Bài, ảnh: HẢI YẾN - HUỲNH THÀNH