CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐÓN GIAO THỪA TÂN SỬU 2021:
Khẩn trương, hào hứng tập luyện
Chương trình nghệ thuật giao thừa Xuân Tân Sửu 2021, kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, thành công Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, dự kiến diễn ra vào lúc 21 giờ đêm 11.2 (30 tháng Chạp năm Canh Tý) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn). Những ngày qua, những người thực hiện, biểu diễn tại chương trình khẩn trương, hào hứng tập luyện.
Các nghệ sĩ tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tập luyện chương trình nghệ thuật đón giao thừa sáng 4.2.
Chương trình chính có chủ đề “Chào Xuân Tân Sửu 2021” do Sở VH&TT chủ trì, phối hợp thực hiện, có thời lượng 90 phút, chia làm 3 chương, gồm: “Đảng và mùa xuân”, “Sắc màu quê hương” và “Chào xuân mới”. Nhằm tạo thêm ấn tượng, kết nối đưa “âm vang đại ngàn về phố biển”, ban tổ chức đã mời các nghệ nhân, diễn viên người đồng bào Bana của CLB cồng chiêng làng M3 (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh) biểu diễn hòa tấu cồng chiêng “Mừng Đảng mừng Xuân” ở chương 2.
Ông Huỳnh Hiệp An, Phó trưởng Phòng Quản lý văn hóa - Gia đình (Sở VH&TT), cho biết thêm: “Ban tổ chức có mời một số ca sĩ quê gốc Bình Định đã thành danh ở các tỉnh, thành khác về phục vụ khán giả quê hương. Qua đó, góp phần tạo thêm sự đa dạng, nâng cao chất lượng chương trình nghệ thuật đón giao thừa năm nay”.
Nhiều ngày qua, các đơn vị trực thuộc Sở VH&TT đã tích cực tập luyện. Tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sáng 4.2, không khí rất sôi nổi, NSND Minh Ngọc, NSƯT Thanh Bình hướng dẫn tập luyện tiết mục tuồng ở bên ngoài tiền sảnh Nhà hát, bên trong hội trường NSƯT Băng Châu đôn đốc diễn viên nỗ lực hoàn thành hoạt cảnh dân ca bài chòi.
“Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ tuồng, bài chòi cùng biểu diễn tiếp nối gắn liền nhau trong cùng tiết mục chủ đề “Sắc màu truyền thống”, gồm có hai phần giới thiệu nét đặc sắc riêng của từng loại hình nghệ thuật. Trong đó, phần tuồng giới thiệu về vũ đạo, hóa trang, trang phục, binh khí gắn với các nhân vật. Cũng lo lắng tình hình dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến chương trình, nhưng được sự động viên, quán triệt của lãnh đạo Nhà hát, chúng tôi nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua hàng chục ngày tập luyện, tiết mục đến nay cơ bản hoàn thành tốt...”, NSND Minh Ngọc chia sẻ.
Khi sân khấu chương trình nghệ thuật giao thừa vừa dựng xong tại khu vực Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), chiều 4.2, nhóm nhảy hiện đại S.T.S Crew đã “khai sân” đầu tiên vào buổi tối cùng ngày và tối hôm sau, thu hút nhiều người dân theo dõi, hỏi thông tin về chương trình.
Anh Lê Tiến Quốc, Trưởng nhóm S.T.S Crew, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tin tưởng, tạo điều kiện để đảm nhận biên đạo phần nhảy hiện đại phụ họa cho 3 tiết mục, nên cố gắng làm thật tốt, đồng thời cũng có cơ hội học hỏi, thêm kinh nghiệm. Tôi và 20 thành viên của nhóm là học sinh, sinh viên, có em đã đi làm, nên tranh thủ sắp xếp thời gian phù hợp để cùng tập luyện nhiều ngày qua!”.
Sau chương trình nghệ thuật chính của tỉnh, sẽ tiếp tục diễn ra chương trình hoạt náo đón giao thừa (22 giờ 30 đến 23 giờ 55 đêm 11.2), với nhiều tiết mục ca múa nhạc, võ thuật, múa lân rồng sôi động, tạo không khí tươi vươi chào đón năm mới. “Lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo chúng tôi sẵn sàng phục vụ chương trình nghệ thuật đón giao thừa khi tỉnh có kế hoạch tổ chức. Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn huy động lực lượng cộng tác viên tham gia chương trình hoạt náo đón giao thừa, phân chia thời gian tập luyện tích cực tại Trung tâm, trên cơ sở đảm bảo phòng, chống dịch và đáp ứng yêu cầu đề ra về tiến độ và chất lượng chương trình...”, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết.
Bài, ảnh: HOÀI THU