MỨC CHI TIỀN ĂN, TIỀN THƯỞNG CHO HỌC SINH THAM GIA THI ĐẤU THỂ THAO:
Đã quá lạc hậu
Việc tỉnh ta áp dụng mức chi tiền ăn, ở cho cán bộ, học sinh trong quá trình tham gia thi đấu các giải thể thao theo mức đã ban hành cách đây hơn 10 năm, khiến nhiều HLV, VÐV gặp nhiều khó khăn.
Mức chi tiền ăn, ở thấp vừa gây khó cho cán bộ giáo viên, vừa ảnh hưởng đến khả năng thi đấu của học sinh ở các giải thể thao.
- Trong ảnh: Các học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ trong giờ học thể dục.
Với gần chục năm dẫn học trò tham gia các giải thể thao cấp tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Sạn, chuyên viên Phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn, cho biết: Ở thời điểm mới ban hành (ngày 31.12.2012), mức chi tiền ăn, ở theo Quyết định số 754/QĐ-UBND của UBND tỉnh về mức chi cho các kỳ thi học sinh giỏi, cán bộ quản lý giỏi, giáo viên giỏi, giáo viên dạy giỏi, Hội thi TDTT, Hội khỏe Phù Đổng, Giáo dục quốc phòng - an ninh và các hội thi khác của ngành GD&ĐT tuy chưa phải đã thong thả nhưng còn tương đối phù hợp với điều kiện thực tế khi đó. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, mức chi này là quá thấp, thực sự là “cơn đau đầu” của cán bộ ngành Giáo dục khi đưa học trò đi dự giải.
Không chỉ với thể thao, nhiều hoạt động khác của ngành Giáo dục được áp dụng các mức chi theo Quyết định 754/QĐ-UBND đều không còn phù hợp.
Phụ lục số 2 của Quyết định 754/QĐ-UBND có quy định mức chi tiền ăn cho đối tượng học sinh mầm non, tiểu học tham gia tập huấn và thi đấu cấp khu vực, quốc gia ở mức 60.000 đồng/người/ngày; học sinh THCS, THPT là 80.000 đồng/người/ngày; cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là 100 nghìn đồng/người/ngày. Tương tự như vậy, mức chi tiền ở cho 3 đối tượng kể trên lần lượt là 80.000 đồng, 120 nghìn đồng và 150 nghìn đồng/người/ngày. Với học sinh tham gia giải cấp tỉnh, tiền ăn tương ứng cho mỗi đối tượng lần lượt là 50.000 đồng/người/ngày, 65.000 đồng/người/ngày, 80.000 đồng/người/ngày…
Chuyên viên một Phòng GD&ĐT đề nghị không nêu tên cho biết, một trong những vấn đề nan giải nhất của cán bộ khi dẫn học sinh đi thi đấu là tìm chỗ ăn, ở rẻ nhất có thể. Thậm chí, không ít cán bộ còn phải… năn nỉ quán cơm đồng ý nấu những suất ăn giá rẻ để đủ với mức chi được duyệt. “Thông thường, chúng tôi hay đề xuất các điểm lưu trú cho học sinh ở ghép, nhiều em ở chung một phòng để còn bù qua tiền ăn. Khi thi đấu thể thao, các em cần được đảm bảo dinh dưỡng để có thể lực tốt nhất, nhưng với mức tiền ăn như vậy ăn no đã khó chứ không thể đòi hỏi nhiều hơn” - vị chuyên viên này bộc bạch.
Ông Nguyễn Minh Hải, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, chia sẻ: “Nếu như ở thể thao chuyên nghiệp người ta còn vận động nguồn kinh phí xã hội hóa hoặc kêu gọi gia đình đóng góp thêm, thì ở các sân chơi dành cho học đường điều này là không thể. Bởi chỉ riêng việc phụ huynh cho con đi thi đấu đã là điều may mắn rồi. Ai cũng lo lắng lắm, các em không nhận được quyền lợi gì nhiều, nhưng nguy cơ chấn thương ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt lại khá cao. Mỗi lần có giải, ai cũng hào hứng vì muốn thấy được sự tiến bộ của học trò, nhưng nghĩ đến vấn đề kinh phí thì ai cũng ngao ngán”.
Thi đấu trong tỉnh đã khó, thi đấu ở tỉnh ngoài thì thật sự kinh hoàng gian nan, nhất là ở những tỉnh, thành có mặt bằng giá cả đắt đỏ. Khi đó, thường thì một cán bộ được cử đi “khảo sát” kiêm “đàm phán” giá cả ở các quán ăn, phòng trọ để đảm bảo không “vượt quỹ”. Theo thông tin chúng tôi có được, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ngãi hiện đang áp dụng mức tiền ăn cho học sinh tham gia thi đấu giải là 150 nghìn đồng/người/ngày nhưng vẫn thấy thấp và đang tiến hành các thủ tục kiến nghị xin nâng lên.
Điều đáng nói là từ lâu, rất nhiều lần các cán bộ ở phòng GD&ĐT các địa phương đã nêu ý kiến về mức kinh phí ăn, ở chi cho học sinh tham dự các giải đấu không còn phù hợp thực tế. Nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Ngay như mức tiền thưởng dành cho các tập thể, cá nhân đoạt thành tích cao cũng… rất “lạc hậu”. Đơn cử như tiền thưởng cho đội đoạt giải nhất môn bóng đá, bóng chuyền cấp khu vực, quốc gia là 2 triệu đồng/đội. Nếu tính theo đầu người sẽ thấy hết sức hài hước bởi mỗi em chỉ được chia hơn 100 nghìn đồng khi lập được thành tích “khủng” như vậy.
Không chỉ với thể thao, nhiều hoạt động khác của ngành Giáo dục được áp dụng các mức chi theo Quyết định 754/QĐ-UBND đều không còn phù hợp. Vì vậy, các ngành các cấp liên quan cần xem xét điều chỉnh cho sát với thực tế, đảm bảo tính khả thi để giảm bớt khó khăn cho cán bộ ngành Giáo dục trong thời gian sắp tới.
Bài, ảnh: HOÀNG QUÂN