Nghệ nhân Lương Quốc Phúc:
Một đôi tay tài hoa, một tâm hồn nghệ sĩ
Thành công mới đây nhất của Bình Ðịnh trong phát huy di sản văn hóa Chăm là phục chế thành công tượng thần Shiva- một trong những tác phẩm điêu khắc lớn và đẹp nhất của tháp Bánh Ít, bị mang về Pháp năm 1885. Tác giả của công trình nghệ thuật ấy là một gương mặt khá quen: nghệ nhân Lương Quốc Phúc.
Vẻ đẹp điêu khắc Chăm là động lực lớn để nghệ nhân Lương Quốc Phúc say mê khám phá, thể hiện: Ảnh: HÀ NGUYÊN
“Tên trộm cổ vật”
Sinh năm 1970, đến nay anh Lương Quốc Phúc ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn đã có hơn 15 năm trong nghề làm tượng Chăm giả cổ. Là con của “đất Kinh xưa”, sớm quen mặt từng bức tượng, hoa văn Chăm từ tấm bé, lớn lên theo nghề, là một trong những học trò xuất sắc nhất của cố nghệ nhân Sáu Bê (người khai sinh ra nghề làm tượng Chăm giả cổ ở An Nhơn), quan trọng hơn hết là tài hoa riêng, tay nghề của anh Phúc tiến bộ nhanh, vững. Từ những phiến sa thạch thô cứng, qua bàn tay tạo tác tinh xảo của người nghệ nhân có tuổi nghề còn khá trẻ này, tạo thành những đường nét mềm mại, rất có hồn. Sản phẩm tượng Chăm giả cổ của nghệ nhân Lương Quốc Phúc chu du khắp nơi, dần trở thành một thương hiệu, địa chỉ tin cậy trong lòng người chơi tượng Chăm cả nước. Còn trong tỉnh, anh được chính các cơ quan chuyên môn như Ban Quản lý Di tích tỉnh, Sở VH-TT&DL “chọn mặt gửi vàng”. Năm 2008, anh được mời tham gia tạo tác bộ ngẫu tượng Linga - Yoni đặt tại Tháp Đôi (Quy Nhơn), và mới đây nhất, độc lập thực hiện phục chế tượng thần Shiva đặt tại đền chính cụm tháp Bánh Ít (Tuy Phước).
Điểm nổi bật trong sản phẩm tượng Chăm của nghệ nhân Lương Quốc Phúc là độ giống tượng cổ thật đến mức khó tin và dễ gây nhầm lẫn. Điều này có được, ngoài vẻ sống động, độ tinh xảo trong đường nét, còn do bởi “bí quyết” phủ màu thời gian lên tượng. Nghề làm tượng Chăm giả cổ mang đến cho anh những phút giây thăng hoa trong nghệ thuật nhưng cũng khiến anh gặp không ít rắc rối. Đã mấy lần anh bị tình nghi là… thủ phạm trộm cổ vật! Các cơ quan điều tra đã về địa phương xác minh. Với mỗi bức tượng, trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng, anh đã phải bất đắc dĩ dùng xăng để rửa, xóa lớp “da”, chứng minh màu thời gian trên tượng chỉ là sản phẩm của kỹ thuật giả cổ.
Trân trọng văn hóa và cái đẹp
“Tôi đến với nghề làm tượng Chăm trước hết vì lòng say mê cái đẹp, trân trọng văn hóa, ngưỡng vọng tài hoa của người xưa chứ chưa bao giờ xem đó là một nghề để mưu sinh. Mỗi người có sở thích, đam mê, năng khiếu riêng và họ nỗ lực vì điều đó, còn nếu để kiếm sống thì có nhiều nghề dễ làm, ít hao tâm hơn”, anh Phúc tâm sự. Với Lương Quốc Phúc, cái cách mà anh mê đắm tượng Chăm hay văn hóa điêu khắc Chăm nói chung khiến nhiều người có cảm giác không phải anh đang dùi mài tay nghề. Nhất là khi nghề không còn thịnh, tượng Chăm giả cổ không còn đắt hàng, anh vẫn không thôi miệt mài. Anh ngược xuôi tại những mỏ đá sa thạch vùng Non Nước (Đà Nẵng), Mỹ Sơn (Quảng Nam) để chọn khối đá ưng ý, đem về say sưa gõ đục ngay cả khi chẳng có mối đặt hàng nào. Lang thang khắp các đền tháp, bảo tàng Chăm trong, ngoài tỉnh để ngắm, để học, để hiểu. Đường nét và đặc biệt là thần thái của những Visnu, Sarasvati, Laksmi, Aspara… luôn hiện diện đầy gần gũi trong anh. Sự mê đắm đó xuất phát từ sự thôi thúc hồn nhiên của một tâm hồn rung động trước cái đẹp cùng khát vọng muốn thể hiện, tạo tác thành công.
Đơn hàng mới nhất anh Phúc nhận làm cho Sở VH-TT&DL- phục chế tượng thần Shiva, phục hồi không gian tâm linh cho tháp cổ Bánh Ít - đặt lên vai anh vinh dự cùng thử thách, trách nhiệm. Một trong những báu vật của nghệ thuật Việt Nam - điêu khắc Chăm-pa thế kỷ V-XV hiện nằm ở nước ngoài, không có điều kiện mục sở thị, cơ sở để anh Phúc bắt tay vào phục chế theo nguyên mẫu chỉ là bức ảnh chụp chính diện cùng các con số về kích thước. Trút vào đó tất cả tài hoa lẫn tâm huyết, đến ngày nghiệm thu, anh… sực nhớ ra mình đã quên “làm nháp”. Anh kể: “Thường những đơn hàng quan trọng hay tượng tuân thủ nguyên bản đến từng chi tiết nhỏ nhất, nghệ nhân chúng tôi làm nháp vài bức để quen tay, phát hiện sai sót thì điều chỉnh. Bởi từng nhát đục đều phải chuẩn xác, một chi tiết vụng phải bỏ nguyên khối đá. Riêng bức này, có lẽ vì tập trung tâm trí khiến tôi quên bẵng khâu làm nháp. Hơn thế, tuy áp lực nhưng tôi lại làm tượng trong tâm trạng rất tự tin, thăng hoa”.
“Tôi cứ day dứt nghĩ, qua ảnh mà tượng đẹp và sống động chừng ấy, tượng thật bên ngoài còn khiến con người rung động đến mức nào. Mà “đau đớn” là tượng cổ thật đã không còn trong nước mình, là người làm nghề, tôi khao khát tạo nên một phiên bản giống và thật hết mức có thể, như một cách làm điều gì đó cho quê hương”, anh bộc bạch.
Một ngày tháng 12.2013, đến nhà nghệ nhân Lương Quốc Phúc để nghiệm thu sản phẩm, “bên A” - Giám đốc Sở VH-TT&DL Văn Trọng Hùng thẩm định chỉ bằng mấy câu ngắn gọn: “Bức tượng rất có thần!” và “Đây không chỉ là tác phẩm điêu khắc của một nghệ nhân lành nghề, đây còn là kết tinh vẻ đẹp và sáng tạo của một tâm hồn nghệ sĩ thực thụ”.
SAO LY