Mùa chim én xây tổ
Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ trước Tết Nguyên đán, đang ngồi rọc lá chuối để gói bánh chưng, chú Bình đập khẽ vào vai tôi: “Nhìn kìa, đã mắt không?”. Tôi nhìn theo hướng tay chú chỉ. Một đàn chim én đang chao lượn trên bầu trời rồi chập lại đúng hình chữ V. “Nào, đi kiếm đạn”. Bỏ dở con dao, chú kéo tuột tôi ra ngoài đồng.
Chú cháu tôi se đám bùn vàng sẫm, dẻo quẹo thành những viên bi tròn vo, chắc nịch. Tôi đổ tất cả vào đám than tro cháy đượm. Phải mất gần một ngày, đám đạn bùn mới chín tới, viên nào viên nấy cứng thép như sành. Lúc này, chú Bình cũng lùng ngoài vườn kiếm được mấy nhành cây hai chạng chế thành hai cái ná thun cực đỏm.
Ngày hôm sau, nắng đầu xuân hửng đẹp, ních đầy túi quần đạn bùn, hai chú cháu nghênh ngang xách ná ra cánh đồng bát ngát dưới chân núi. Chú cháu tôi rạp mình theo những bụi cây thấp, rình những chú chim én cả dại sà xuống thấp. Không bõ cả buổi chiều lùng sục, nhất là tài bắn tỉa tài tình của chú Bình, chúng tôi xách cẳng về gần chục chú chim én tròn mập.
Nhìn thấy lũ chim, bà nội tôi chỉ thiếu nước gào thét: “Năm hết tết đến, ai cho chúng mày đi sát sinh chim trời! Thằng cháu thì không nói làm gì, thằng chú lớn đầu rồi còn bày trò hư đốn”. Chú Bình chống chế yếu ớt: “Mấy con chim này nướng lên, chấm muối tiêu chanh, ngon tuyệt cú mèo!”. Nhưng rồi cuối cùng, chú cháu tôi cũng phải thực hiện hành động hối lỗi rất xi-nê là mang lũ chim én ra vườn, chôn dưới gốc cây khế chua. Chú Bình vừa chọt đất vừa lẩm bẩm: “Biết thế nướng ngay ngoài đồng. Bà nội Tri quá sức lẩm cẩm...”.
Đói bụng, tôi hái đầy tay một nắm táo dại, ngồi lại dưới mái tranh vách đất, nhẩn nha nhai rôm rốp. Ngẩng mặt nhìn rui nhà, mắt tôi tưởng quáng khi nhìn thấy một đôi chim én đang lặng lẽ xây tổ chỗ hai cây tre nối lại. Cái tổ ấm của đôi chim sắp hoàn tất, tròn trịa và có vẻ ấm cúng bởi lớp rơm rạ, lá khô được thu vén khéo léo.
Từ hôm ấy, mỗi buổi sáng tôi thường lẳng lặng rải một đám thóc ở chân vách đất, ngay dưới tổ chim én, tuyệt nhiên không hé miệng nói với chú Bình một lời nào. Mà chú cũng không thèm để tâm đến tôi nữa, nửa tháng được nghỉ phép trước khi trực Tết, chú triền miên đi “đóng quân” ở nhà cô Đạm. Cô Đạm dạy học, rất xinh lại vén khéo, bao nhiêu người ngấp nghé. Chú Bình mà chậm chân là đi đứt.
Đôi chim dường như biết thân ở đậu, bảo nhau chuyện trò như gió thoảng. Thỉnh thoảng, tôi thấy chúng vù vào trong tán khế, ngó nghiêng, nhảy nhót, kể lể như có điều gì vui vẻ. Tiết trời ấm áp, một buổi sáng ngồi làm bài tập bên cửa sổ, đôi chim như quen thân, loanh quanh lại gần bên tôi.
Thấm thoắt hết kỳ nghỉ, chú Bình phải trở về đơn vị đúng sáng ba mươi. Tối hai chín, chia tay, bồi hồi tiễn cô Đạm về tận cổng nhà, chú trở về, mặt buồn rười rượi. Đêm hôm ấy, nằm cạnh, tôi biết chú Bình thao thức mãi mới ngủ được. Bỗng dưng, tôi thấy thương chú vô hạn. Ai chẳng vậy, ăn Tết xa nhà, cùng với nỗi lo lắng mong manh về mối tình vừa mới chớm. Đầu óc lãng mạn nửa mùa của một cậu bé lớp bốn khiến tôi nảy ra ý định tặng chú một món quà. Tinh mơ, tôi đã vực chú dậy, kéo ra vườn, chỗ cây táo dại trông lên mái tranh, thì thầm về cái điều bí mật mấy ngày giấu giếm. Trong câu chuyện kể, tôi còn thêm mắm muối vào chi tiết: “Đôi chim đến xây tổ đúng ngày chú ngỏ lời với cô Đạm”.
Mắt chú Bình sáng như đêm sao trước ngày nắng hạn. Vác ba-lô lên vai, chú còn trông ra cây khế chua, chỗ chôn bầy chim én chú cháu tôi sát thương hôm nào. Rồi trìu mến ngước nhìn tổ chim líu ríu tiếng chim non, chú xoa đầu tôi dặn: “Bà nội nói đúng, sau cuộc hành trình xa thẳm về đây tránh rét, loài chim báo hiệu mùa xuân phải được chào mừng thay vì bắn quấy. Chú đi rồi, Tri gắng chăm giữ tổ ấm chim én nhé. Chim én về làm tổ trong nhà là điềm may mắn, tốt lành trong mùa xuân này, cho Tri học giỏi, cho bà nội mạnh khỏe và hạnh phúc tròn đầy cho chú và thím Đạm tương lai...”.
HÀ VÕ