Những phiên tòa ngày giáp Tết
Không khí chộn rộn, náo nhiệt của những ngày sắp tết khiến không gian tòa án như mềm hơn. Mầm hy vọng lấp ló trên gương mặt âu lo của người thân của bị cáo. Cả những người cầm cân nảy mực chốn công đường cũng khoan hòa hơn…
1. Khi được cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải từ sân tiến vào sảnh lớn, qua các bậc thềm để tiến đến phòng xử án chính, đôi mắt bị cáo Lê Công Định tìm kiếm, rồi hút về phía đôi vợ chồng cứng tuổi, khắc khổ, đứng phía đầu cầu thang. Ngày 16.1, tức 16 tháng Chạp âm lịch là phiên xử phúc thẩm vụ án Lê Công Định “vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Dịp lễ 30.4.2013, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1989, ở xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn) đưa người yêu là anh Nguyễn Hải Thắm (SN 1985, ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) về thăm nhà. Vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 1.5.2013, trên đường trở lại nơi dạy học ở huyện KonPlong, Kon Tum, họ bị Định tông chết. Định tự ý lấy xe ô tô của công ty mình làm việc đi chơi, uống rượu, chạy quá tốc độ nên không kịp xử trí tình huống.
Sau tai nạn, Công ty của Định ứng tiền bồi thường cho gia đình anh Thắm gần 59 triệu đồng, gia đình chị Thúy 30 triệu đồng. TAND huyện Tây Sơn xử Định 5 năm tù. Gia đình hai nạn nhân kháng cáo, đòi tăng mức bồi thường và tăng mức hình phạt với Định.
HĐXX hỏi bị cáo: “Bị cáo có đồng ý tăng mức bồi thường không?”. Ban đầu bị cáo lắc đầu, nói tòa cứ xử đúng pháp luật nhưng mở lượng khoan hồng để bị cáo mau ra tù làm trả nợ. HĐXX lại phân tích thêm. Bị cáo đồng ý hỗ trợ thêm mỗi gia đình 10 triệu đồng, nhưng quay xuống phía dưới cầu cứu ba mẹ. Cha mẹ bị cáo được gọi lên.
2. Quay về hàng ghế ngồi, mẹ bị cáo bần thần: “Trời, lấy đâu ra 20 triệu bồi thường bây giờ. Rời quân ngũ, nó làm đầu bếp, đi học lái xe ô tô, lấy bằng chưa đầy 3 tháng. Tiền học lái xe còn nợ…”. Từ ngày tai nạn xảy ra, gia đình bà mấy bận ra ngoài Hà Tĩnh, vào thị xã An Nhơn lo phúng điếu cho người xấu số.
Xét việc bồi thường phát sinh tại phiên tòa này là tình tiết giảm nhẹ, cộng với nhân thân của bị cáo, tòa phúc thẩm tuyên bị cáo 4 năm tù.
Phiên tòa kết thúc đã lâu, cha mẹ Định mắt vẫn chăm chăm về phía xe chở tù hòng thấy mặt con lần nữa. Phát sinh thêm 20 triệu đồng, với họ, là thêm một nón nợ nữa dẫu nó mang lại tự do cho con sớm hơn 1 năm. Người mẹ thẫn thờ: “Kiếm đâu ra tiền bây giờ. Sổ đỏ cũng đã mang đi cầm rồi”. Nhưng, bà đổi buồn làm vui: “Gia đình tôi không ngờ nó được giảm án. Chắc nó sẽ ra tù trước 4 năm cô nhỉ. Người còn của còn”.
Trưa ấy, ở sân tòa, gia đình bị cáo Tô Văn Định (SN 1989, ở Hoài Hải, Hoài Nhơn, phạm tội trốn nghĩa vụ quân sự) cũng nán lại để bị cáo Định thấy mặt con. Người vợ trẻ dỗ đứa con nhỏ: “Ngoan, chờ chút xíu nữa mình gặp ba rồi về”. Cha Định ân hận: “Lần nào có giấy gọi nhập ngũ nó cũng đang ở ngoài khơi. Cứ nghĩ chuyện đơn giản, không ngờ phải ngồi 7 tháng tù. Biết vậy thì động viên nó chấp hành cho xong…”. CA dẫn giải các bị cáo ra, người nhà chạy đến thật nhanh, cố gắng nhìn bị cáo lần nữa.
3. Khi ra tòa, bị cáo Nguyễn Thị Xuân Đào (58 tuổi, ngụ ở đường Tô Hiến Thành, Quy Nhơn) vào chiều 17.1 ràn rụa nước mắt hối lỗi. Bà là người đã làm nhục chánh án TAND TP Quy Nhơn ngay tại trụ sở cơ quan.
Khai đến đâu, bị cáo Đào khóc đến đó: “Bị cáo theo học võ từ nhỏ, được dạy phải biết lấy chữ “nhẫn” làm đầu. Bình thường bị cáo chưa bao giờ làm những việc gì quá đáng, nhưng không hiểu tại sao hôm ấy bị cáo lại làm như thế. Hơn 4 tháng ngồi tù, đêm nào bị cáo cũng nghĩ biết sai mà sao vẫn làm. Con bị cáo vì mẹ mà phải bảo lưu kết quả để về nhà chăm mẹ. Bị cáo ân hận rất nhiều. Nhờ tòa, viện kiểm sát, cơ quan báo chí nói lại với ông Trương Quốc Dũng là cho bị cáo xin lỗi”.
HĐXX hôm ấy đều là những người đã gần hoặc trên 60 tuổi, hỉ, nộ, ái, ố trải nhiều. Mỗi lời phân tích của họ càng làm cho bà Đào thêm tủi hổ. Bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt từ 1 đến 3 năm tù. Tuy nhiên, xét nhiều yếu tố, Viện KSND tỉnh chỉ đề nghị xử bị cáo dưới khung hình phạt 4-5 tháng tù, bởi “bao nhiêu đó cũng đủ sức răn đe với bị cáo rồi”.
HĐXX vào nghị án. Con trai của bị cáo vẫn hồ nghi: “Không biết tòa xử ra sao, có giống như viện đề nghị không. Chắc khó”. Anh kể, từ ngày má vô tù, ba giận bỏ sang bên Lào làm việc, ông nội mất cũng không chịu về. Tôi bị chậm mất một năm đại học.
Nghe tòa tuyên án 4 tháng 15 ngày tù, bị cáo Đào và gia đình mừng rỡ. Một người còn giơ 10 ngón tay về phía bị cáo, ngụ ý 10 ngày nữa thì được về nhà. Tính từ thời hạn tạm giam (11.9.2013) thì bị cáo Đào sẽ được ra tù vào khoảng 26 tháng Chạp. Lời nói sau cùng của bị cáo trước khi về trại giam, cũng vẫn là “Cho tôi xin lỗi ông chánh án tòa Quy Nhơn”.
NGUYỄN SƠN