Tết khỏe, an toàn trong dịch Covid-19
Các bác sĩ khuyên, mọi người cần hết sức lưu ý giữ gìn sức khỏe vào dịp Tết để có thể vui hưởng một mùa xuân trọn vẹn, tránh những sự cố đáng tiếc, đặc biệt khi đang trong dịch Covid-19.
● BÁC SĨ CKII PHẠM VĂN DŨNG, TRƯỞNG KHOA NHI, BVÐK TỈNH:
Phòng bệnh hô hấp và tiêu hóa cho trẻ
Sự thay đổi về thời tiết, chế độ ăn uống, sinh hoạt thất thường ngày Tết rất dễ khiến bé mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa; ngoài ra sốt xuất huyết cũng hay gặp trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Dịch Covid-19 đang lây lan trong cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành phố cũng là nguy cơ rất lớn với trẻ.
Để phòng bệnh đường hô hấp, cần cho trẻ sống trong môi trường trong lành, tránh khí độc, ô nhiễm…; mặc ấm và dùng khẩu trang che mũi, miệng khi đưa trẻ đi ra khỏi nhà. Phòng bệnh tiêu chảy, khâu vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm hết sức quan trọng; cho trẻ ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trẻ em và người chăm trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh. Cho trẻ uống vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do rotavirus.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân vui Tết cần giữ sức khỏe, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
- Trong ảnh: Sàng lọc, phân luồng bệnh nhân tại BVĐK tỉnh để phòng, chống dịch Covid-19.
Phòng bệnh Covid-19 cho trẻ, cha mẹ, thành viên trong gia đình và trẻ cần thực hiện đúng 5K. Đặc biệt lưu ý, với trẻ, hạn chế các tiếp xúc ôm ấp, hôn trẻ... bởi có thể khiến trẻ dính phải các giọt bắn nước bọt từ người mang mầm bệnh, nhất là người lạ.
Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường trong nhà và xung quanh; hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc bề mặt bằng cách vệ sinh vật dụng, đồ chơi của bé, những vị trí nhiều người chạm như tay nắm cửa. Hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hay sát khuẩn tay, tránh đưa tay lên mũi mắt; súc miệng bằng nước muối, các loại nước súc miệng chuyên dùng để làm sạch cổ họng.
● BÁC SĨ CKII BÀNH QUANG KHẢI, PHÓ GIÁM ÐỐC TTYT TP QUY NHƠN:
Đi bác sĩ ngay khi sức khỏe bất thường, tránh tâm lý ngại khám bệnh trong dịp Tết
Tiết trời bước vào mùa xuân, nhiệt độ hay thay đổi thất thường, một số đối tượng khó thích nghi với những thay đổi này, dễ phát sinh bệnh là trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, những người làm việc trong khung giờ thất thường (quá khuya, dậy sớm, làm việc ngoài trời...). Bên cạnh đó, những tất bật, lo toan, căng thẳng vào thời điểm cuối năm cũng khiến người có sức chịu đựng kém dễ phát sinh vấn đề về sức khỏe.
Những bệnh lý hay gặp vào dịp trước và sau Tết là bệnh lý về đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm, ngộ độc thức ăn, ngộ độc rượu, tai nạn thương tích, TNGT; bệnh mạn tính dễ có những đợt tăng nặng.
Sinh hoạt, vui chơi trong dịp Tết cần điều độ, hạn chế dùng rượu bia và các chất kích thích, giữ chế độ ăn phù hợp theo từng người, không nên bỏ bữa, nhất là trẻ em, người già, người bị tiểu đường dễ gây tai biến hạ đường huyết.
Người có bệnh mạn tính chuẩn bị sẵn cơ số thuốc để đủ dùng dịp Tết. Người già yếu, người bị bệnh phổi mạn tính, hen suyễn, suy tim, phụ nữ có thai... nên chủ động tiêm ngừa vắc xin cúm. Khi có vấn đề về sức khỏe nên đi khám ngay vì các cơ sở y tế luôn thường trực 24/24 giờ, tránh tâm lý chủ quan, ngại khám bệnh trong dịp Tết.
● TS VÕ BẢO DŨNG, PHÓ GIÁM ÐỐC BVÐK TỈNH:
Cân nhắc thật kỹ với dự định đi du lịch xa
Tết năm nay khác hẳn mọi năm, khi ngoài những vấn đề sức khỏe thường gặp, một nỗi lo khác cực kỳ quan trọng là dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp, khó lường.
Để đảm bảo sức khỏe trong dịp Tết, chúng ta cần lưu ý nhiều vấn đề. Mua sắm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn trong chế biến thực phẩm; hạn chế tối đa dùng thực phẩm sống, không dùng thực phẩm ôi thiu, để lâu. Giữ thói quen tập thể dục đều đặn; người có bệnh huyết áp, tim mạch cần lưu ý tránh chuyển đột ngột từ nơi có nhiệt cao sang thấp hoặc ngược lại; lưu ý sáng sớm cần khởi động, làm ấm cơ thể trước khi xuống giường.
Để an toàn trước dịch Covid-19, phải luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách với người xung quanh, tốt nhất trên 2 m. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, mất vị giác, khứu giác..., cần đến khám tại cơ sở y tế, không tự ý mua thuốc uống.
Cài đặt ứng dụng bluezone trên điện thoại thông minh, khai báo y tế trung thực nếu có đến/về từ địa bàn đang có dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh trên các kênh chính thống để nắm tình hình, diễn biến, kịp thời có biện pháp phòng tránh tốt nhất. Đặc biệt, cân nhắc thật kỹ khi dự định đi du lịch xa; nắm kỹ các vùng, địa phương đang có dịch để phòng tránh, đảm bảo an toàn trước nguy cơ dịch Covid-19.
MAI HOÀNG