Triển khai thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT: Cần thêm thời gian để thực thi
Thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT (quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác) có hiệu lực từ ngày 25.12.2020. Song, để quy định được thực thi, cần có thêm thời gian cũng như cách áp dụng linh hoạt, phù hợp.
Cần có thời gian hướng dẫn
Quy định ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản (KTTS) được cụ thể hóa trong Luật Thủy sản, nhằm nâng cao năng lực quản lý nghề cá, góp phần thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Từ năm 2019 đến nay, đội tàu hoạt động tại vùng khơi thực hiện nghiêm túc quy định ghi, nộp nhật ký KTTS. Còn quy định tàu hoạt động vùng lộng phải ghi, nộp nhật ký KTTS theo Thông tư 13/2020-TT-BNNPTNT do Bộ NN&PTNT mới ban hành, nên cần phải có thời gian để hướng dẫn ngư dân thực hiện.
Ngành chức năng kiểm tra, nhắc nhở các chủ tàu giã cào ra vào cảng cá Quy Nhơn thực hiện đúng các quy định hoạt động.
Ngư dân Hồ Minh Đức, ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn), bộc bạch: “Tôi có cặp tàu giã cào đôi dưới 15 m hoạt động tại vùng lộng đã làm đầy đủ giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, có giấy phép KTTS, các chứng chỉ chức danh tàu cá để hoạt động. Lâu nay tàu xuất nhập cảng, tôi đều khai báo, trình đầy đủ thủ tục, giấy tờ. Tôi cũng nghe có thêm quy định phải ghi, nộp nhật ký KTTS do ngành chức năng tuyên truyền, nhưng để ngư dân thực hiện thì phải có thời gian, chứ quy định mới quá chúng tôi chưa nắm bắt hết”.
Hiện nay, đa số tàu cá hoạt động tại vùng lộng đều cập bến tại các địa phương bãi ngang, ven biển, nên quy định ghi, nộp nhật ký KTTS vẫn rất khó thực hiện. Ngư dân Huỳnh Văn Ngọc, ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), chủ tàu mành rút trủ, thẳng thắn chia sẻ: “Tàu cá ở đây hầu hết đều hoạt động tại vùng lộng, vùng ven bờ của xã. Như tàu tôi dưới 15 m được cấp phép KTTS vùng lộng, nhưng hồi giờ tôi chỉ làm quanh quẩn tại vùng biển ở địa phương, biển có thì đi, không có thì đậu bến nên chuyện ghi, nộp nhật ký KTTS, nói thật tôi cũng không quan tâm lắm”.
Còn ngư dân Phạm Hữu Phước, ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), chủ tàu mành rút trủ, cho rằng: “Nhà nước ban hành quy định thì ngư dân phải chấp hành, nhưng khi áp dụng cũng phải theo thực tiễn. Chứ như xã tôi làm gì có cảng cá, tổ chức quản lý cảng cá, tàu thuyền thì đánh bắt thời gian ngắn ngày theo kiểu chiều hôm trước đi, sáng hôm sau về bờ, vậy rồi ghi nhật ký nộp cho ai”.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Tính đến cuối năm 2020, cả tỉnh có 1.133 tàu cá hoạt động KTTS tại vùng lộng bằng các nghề, như: Lưới vây ánh sáng, lưới rút trủ, giã cào, lưới rê, mành trải tôm… Tại cảng cá Quy Nhơn có hơn 240 tàu giã cào - phần lớn là tàu từ 12 m đến dưới 15 m - thường xuyên neo đậu, bốc dỡ thủy sản. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá tỉnh, phụ trách cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Nhìn chung, ngư dân hành nghề giã cào đã chấp hành tốt việc khai báo thủ tục khi ra vào cảng, tàu có giấy tờ hoạt động theo quy định. Trước đây, khi chưa có quy định ghi, nộp nhật ký đối với tàu cá hoạt động KTTS tại vùng lộng, chúng tôi chỉ kiểm tra các thủ tục theo quy định, còn bây giờ có thêm quy định ghi, nộp nhật ký KTTS thì phải thực thi. Tuy nhiên, cần có thời gian để bà con ngư dân quen với việc ghi nhật ký KTTS, chứ áp vô thực hiện liền cũng khó cho ngư dân. Do đó, chúng tôi chỉ nhắc nhở, tuyên truyền cho ngư dân biết để họ thực hiện dần”.
Trong năm 2020, 3 tổ IUU tại cảng cá Quy Nhơn, Ðề Gi, Tam Quan đã kiểm tra 4.094 lượt tàu rời cảng và 3.230 lượt tàu cập cảng để thực hiện thủ tục cho ngư dân KTTS, bốc dỡ sản phẩm, xác nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tổ chức 64 chuyến tuần tra, kiểm soát hoạt động KTTS trên đầm Thị Nại, đầm Ðề Gi, khu vực ven biển Quy Nhơn, Phù Cát. Qua đó, kiểm tra 2.304 lượt tàu cá đang hoạt động KTTS, xử phạt 125 tàu cá vi phạm với số tiền hơn 695 triệu đồng.
Trong khi đó, vẫn còn tình trạng tàu cá hoạt động không có giấy phép KTTS, chủ yếu về neo đậu tại các bãi ngang, đầm, luồng lạch trong tỉnh, khiến cơ quan chức năng gặp khó trong công tác kiểm tra, kiểm soát; chủ tàu vì thế cũng ỷ lại, không làm giấy phép KTTS theo quy định. Ngoài ra, cả tỉnh còn có 310 tàu cá đã đăng ký nhưng làm các nghề KTTS trong danh mục nghề bị cấm, hạn chế phát triển (lưới lồng, nghề cào, lưới kéo KTTS gần bờ, nghề KTTS kết hợp ánh sáng gần bờ) nên không được cấp giấy phép KTTS, khiến công tác quản lý tàu cá hoạt động vùng lộng, vùng ven bờ gặp khó khăn.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Bình cho biết: Chi cục đang phối hợp các địa phương rà soát tàu cá hoạt động tại vùng lộng, vùng ven bờ để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quản lý nghề cá. Cùng với đó, tăng cường công tác tuần tra, xử phạt các hành vi vi phạm KTTS, nhất là tàu cá hoạt động KTTS bằng nghề cấm, tàu không có giấy tờ. Riêng quy định ghi, nộp nhật ký KTTS đối với tàu cá hoạt động tại vùng lộng theo Thông tư 13/2020-TT-BNNPTNT, trước mắt chúng tôi chỉ đạo tổ IUU tại các cảng cá kiểm tra, nhắc nhở ngư dân biết về quy định để thực hiện dần. Chi cục sẽ phối hợp các địa phương tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn cho ngư dân cách ghi, nộp nhật ký KTTS. Sau khi ngư dân đã quen với cách thức ghi, nộp nhật ký KTTS thì chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định để đảm bảo việc thực thi pháp luật về quản lý nghề cá.
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN