Nhìn về đô thị biển Cát Tiến
Ngày 12.1.2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1188/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Ðịnh; có hiệu lực từ ngày 1.2.2021. Ðây là cú hích để địa phương khai thác có hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy tiềm năng sẵn có và “lột xác”.
Dấu mốc đáng nhớ
Trong thời gian qua, KT-XH của Cát Tiến có bước phát triển toàn diện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cụ thể năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn đạt 16,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 25,8% trong cơ cấu kinh tế, thương mại - dịch vụ chiếm 53,4%, nông nghiệp chiếm 20,8%.
Một góc bãi biển Trung Lương, thị trấn Cát Tiến.
Tổng thu ngân sách hằng năm của Cát Tiến đều đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao; đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người 51,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,68%. Hệ thống công trình hạ tầng đô thị (nhà ở, giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, bưu chính viễn thông…) được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ và hoàn thiện.
Theo Nghị quyết số 1188/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị trấn Cát Tiến được thành lập từ ngày 1.2.2021, có diện tích tự nhiên 17,642 km2, dân số gần 12.000 người, được chia thành 7 khu phố.
Thị trấn Cát Tiến đang từng ngày phát triển.
Thị trấn Cát Tiến được thành lập là yêu cầu rất cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp để quản lý điều hành, tạo điều kiện cho địa phương khai thác có hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy tiềm năng sẵn có để phát triển KT-XH, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Việc thành lập thị trấn Cát Tiến cũng là tiền đề để Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Cát Tiến nói riêng và huyện Phù Cát nói chung tiếp tục đầu tư, nâng cấp, xây dựng và phát triển thị trấn Cát Tiến về mọi mặt.
Thêm điều kiện phát triển
Thị trấn Cát Tiến hình thành sẽ tạo động lực, môi trường và điều kiện cho sự phát triển KT-XH của địa phương theo hướng chuyển dịch kinh tế nông nghiệp nông thôn sang kinh tế đô thị; trong đó du lịch, dịch vụ, thương mại là các ngành mũi nhọn. Đồng thời, thúc đẩy hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tác động tích cực để các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từ đó đời sống của người dân sẽ được nâng cao. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH, tăng nguồn đóng góp cho ngân sách của địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, các công trình công cộng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn tốt hơn.
Vui mừng khi quê hương lên thị trấn, ông Nguyễn Thành Cung, ở khu phố Chánh Đạt, thị trấn Cát Tiến, phấn khởi nói: “Đời sống của người dân chúng tôi đã được nâng cao. Điện đường sáng choang, nước sạch về tận nhà, trường học khang trang, trạm y tế được tăng cường trang thiết bị; không còn hộ nào lo đói, mà mọi người muốn ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn”.
Nhà máy Phong điện Phương Mai 3, thị trấn Cát Tiến.
Ông Trần Đình Trực, Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến, cho biết: “Chúng tôi rất tự hào bởi từ một địa phương bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh chống Mỹ, giờ đây Cát Tiến trở mình và thành thị trấn nhộn nhịp. Hiện trên địa bàn có 3 dự án đang khai thác, đó là dự án khu du lịch Trung Hội, khu du lịch Trung Lương và khu du lịch tâm linh chùa Ông Núi. Ngoài ra, còn có khu du lịch Phương Mai Bay, khu Resort Maia, Phong điện Phương Mai… Nhìn chung, các dự án đã góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân và mở ra hướng phát triển mới, khởi sắc hơn. Chính quyền thị trấn Cát Tiến sẽ tập trung làm tốt công tác quy hoạch, nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép các nguồn lực tài chính, để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xứng tầm là đô thị biển của huyện Phù Cát”.
Thị trấn Cát Tiến cách trung tâm huyện Phù Cát khoảng 20 km về phía Ðông, cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 22 km về phía Bắc; giáp Khu kinh tế Nhơn Hội, khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn về phía Tây Bắc. Cát Tiến có lợi thế về giao thông, nằm trên tuyến QL 19B và 2 tuyến tỉnh lộ 639, 640, kết nối với QL 1A - sân bay Phù Cát và các xã đồng bằng ven biển.
Cát Tiến là nơi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh như: Chùa Ông Núi (chùa Linh Phong), bãi biển Trung Lương, những di tích lịch sử văn hóa có giá trị... Ðó là điều kiện để hình thành và phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch vui chơi giải trí và du lịch tâm linh..., tạo tiền đề cho Cát Tiến đột phá phát triển, từng bước hoàn thành lộ trình đô thị biển.
THẾ HÀ