Bừng sáng “cổng trời” Canh Liên
Với người dân Canh Liên (huyện Vân Canh), niềm vui đón năm mới như được nhân đôi, khi lưới điện quốc gia chính thức phủ sóng đến từng nóc nhà xa xôi...
10 giờ 13 phút ngày 7.2, tức 26 tháng Chạp năm Canh Tý, nhà sinh hoạt cộng đồng làng Chồm vụt sáng trưng, 6 chiếc quạt tường chạy ro ro. Chiếc ti vi mới tinh treo tường kết nối vệ tinh, phát chương trình kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Thời khắc ấy đánh dấu một cột mốc quan trọng trong đời sống của bà con dân tộc thiểu số của 3 làng: Kà Bông, Cát, Chồm - những cái tên mỗi lần nhắc đến trước đây lại gợi nhớ đến sự xa xôi, cách trở và thiếu thốn... “Từ nay nhà nào cũng sáng rỡ, cảnh tăm tối mịt mùng xưa kia đã không còn nữa”, ông Đinh Văn Lên, ở làng Chồm, xúc động chia sẻ.
Lắp chảo tiếp sóng, dò kênh truyền hình cho chiếc tivi mới khi nguồn điện vừa về làng.
Vui đón điện về làng
Sau 210 ngày thi công khẩn trương, công trình xây dựng lưới điện cho 3 làng: Kà Bông, Cát, Chồm của xã Canh Liên, được xem là “cổng trời” của huyện miền núi Vân Canh đã hoàn thành, kịp thời đưa vào sử dụng dịp đón tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Công trình có tổng kinh phí xây dựng phê duyệt gần 14,5 tỷ đồng, do UBND huyện Vân Canh làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện làm đại diện chủ đầu tư. Công trình xây dựng mới đường dây 22 kV, đường dây 0,23 kV và 3 trạm biến áp 50 kVA - 22/0,23 kV để cấp điện phục vụ nhu cầu sử dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 làng.
Nhân chuyến công tác tại xã Canh Liên, đoàn công tác của tỉnh đã tặng 3 ti vi và bộ chảo tiếp sóng cho 3 làng, tặng 3 bộ máy vi tính cho 3 điểm trường mầm non của 3 làng; tặng 8 ti vi và bộ chảo tiếp sóng, 4 quạt điện cho các điểm trường của xã Canh Liên. Cô giáo Ðặng Thị Bé - Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Canh Liên, bày tỏ: “Làng đã có điện, trường có máy vi tính, cô trò sẽ dạy học ngày càng tốt hơn. Ðặc biệt, kiến thức, kỹ năng thu được qua môi trường internet sẽ giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng hoạt động, dần tiến theo các trường ở đồng bằng”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Canh Liên Đinh Văn Mực, trước đây, các hộ dân ở 3 làng này chủ yếu dùng điện từ máy phát điện, mỗi ngày chỉ được dùng khoảng 3 giờ (từ 18 đến 21 giờ), điện chập chờn, không đảm bảo thắp sáng, sinh hoạt, thiết bị điện nhanh hư hỏng.
“Công trình cấp điện lưới quốc gia cho 3 làng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo dành cho nhân dân xã Canh Liên. Công trình không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, thu hẹp khoảng cách miền núi - đồng bằng; mà còn đảm bảo an sinh xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, đặc biệt là củng cố thế trận lòng dân ở khu vực tuyến núi”, ông Mực khẳng định.
Ở làng Cát, cùng với bà con trong làng, cựu chiến binh Đinh Văn Hùng hào hứng sắm ti vi mới. “Công trình kéo điện về làng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến vùng sâu vùng xa. Điện, nước đầy đủ hết rồi, đời sống của bà con ngày càng hiện đại hơn. Thêm thông tin, thêm hiểu biết, bà con sẽ cùng nhau vượt lên đói nghèo”, ông vui vẻ nói.
Chứng kiến sự chuyển mình của quê hương, già làng Đinh Văn Tú không giấu được niềm xúc động, tự hào. “Nghe thông tin kéo điện từ năm 2010, qua bao năm chờ đợi, đến nay điện mới chính thức về làng, thật khó tả hết sự vui mừng của bà con. Đường, trường, trạm có hết, thêm cái điện nữa, đời sống bà con mình nay đã đầy đủ rồi!”, ông Tú chia sẻ.
Không chỉ bà con dân làng, niềm vui có điện còn lan sang cả những thầy cô giáo “cắm bản” lâu nay. Cô giáo Vũ Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Canh Liên, tâm sự: “Bà con vui một, thì chúng tôi cũng vui mười. Có điện, thầy cô bớt khổ, các cháu được sinh hoạt, học tập tiện nghi hơn. Đến giờ, tôi vẫn chưa tin là mơ ước đã trở thành sự thật!”.
Người dân làng Chồm múa cồng chiêng đón điện lưới quốc gia về làng.
Cho ngày mai tươi sáng
Ánh sáng của nguồn điện lại thắm lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho vùng khó khăn nơi “cổng trời”. Theo Bí thư Huyện ủy Vân Canh Lê Bá Thành, điện lưới quốc gia về làng là dấu mốc quan trọng, chắc chắn từ đây đời sống của người dân sẽ chuyển biến mạnh mẽ.
Trực tiếp cắt băng khánh thành công trình xây dựng lưới điện cho 3 làng của xã Canh Liên, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cùng hòa chung niềm vui với bà con. Ông cho rằng, công trình có kinh phí không lớn, nhưng mang ý nghĩa rất đặc biệt. Với việc 3 làng cuối cùng của tỉnh có điện, Bình Định đã cơ bản hoàn thành 4 mục tiêu về điện, đường, trường, trạm. “Chúng ta đã thực hiện rất tốt chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, đường thông suốt đến từng thôn, làng xa xôi. Đồng thời, không ngừng kiên cố hóa trường lớp, xây trạm y tế, 100% trạm có bác sĩ”, Bí thư Tỉnh ủy thông tin thêm.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng cũng khẳng định, sự kiện đóng điện cho 3 làng của Canh Liên càng thêm phần ý nghĩa khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Đây là 3 làng đặc biệt khó khăn, với hơn 70% số hộ là hộ nghèo - nỗi trăn trở lớn của lãnh đạo tỉnh.
“Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực về lâu dài, việc đầu tư cơ sở hạ tầng trước mắt sẽ là bệ phóng để vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có bước phát triển mới. Và, đích đến cuối cùng là phát triển, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Tôi tin rằng, 5 năm tới đây, sẽ có nhiều hộ dân ở Canh Liên thoát nghèo, vươn lên khá giả”, đồng chí Hồ Quốc Dũng chia sẻ.
Đến thăm, tặng quà tết cho gia đình các già làng, người có uy tín ở 3 làng, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh đề nghị từng người tiếp tục phát huy vai trò của mình trong đời sống cộng đồng; tiếp tục gương mẫu, động viên bà con ra sức làm việc, đổi mới phương thức sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần.
* * *
Người dân Canh Liên đón dòng điện mới bằng những điệu múa duyên dáng, nhịp cồng chiêng rộn ràng. Nét hân hoan hiện trên từng khuôn mặt người già, trong từng nụ cười tươi tắn của lũ trẻ.
Ngày giáp Tết, dạo bước trên những con đường bê tông thẳng tắp, hai bên là những căn nhà mới xây còn tươi màu vôi, không khó để nhận ra những chuyển biến mới ở vùng đất đặc biệt khó khăn này. Ấn tượng hơn là trên mảnh sân sạch sẽ đã có những khoảnh rau, bồn hoa - điều còn ít thấy ở các vùng đất khác của người dân tộc thiểu số. Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Mực chia sẻ rằng, tới đây xã sẽ vận động xây dựng mô hình đường hoa ở một số nơi phù hợp, từng bước tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở từng làng.
Tin rằng, rồi đây đời sống của người dân ở nơi “cổng trời” sẽ thật sự sang trang mới...
Bài, ảnh: MAI LÂM