Đón Tết trên chốt phòng dịch Covid-19
Ðã là 28 tháng Chạp, mọi người đã bắt đầu kỳ nghỉ Tết, nhưng với lực lượng cắm chốt phòng, chống dịch Covid-19 họ xác định làm việc xuyên Tết. Gác niềm vui riêng, Tết này là cái Tết đặc biệt với những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Bình Định vẫn bình yên. Nhưng, cuộc chiến với dịch Covid-19 của những chốt kiểm tra y tế phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh càng khó khăn hơn, vất vả hơn, khi vùng dịch tại địa bàn “người láng giềng” Gia Lai chưa dừng lại.
Ngoài lực lượng hiện có, Tết này, chốt kiểm tra y tế phòng chống dịch Covid-19 tại QL 19 trên địa bàn huyện Tây Sơn, giáp tỉnh Gia Lai, được tăng cường thêm lực lượng trực xuyên Tết 24/24 giờ.
Chống dịch xuyên Tết
Sáng 7.2, 5 người dân từ IaPa (Gia Lai) - người Bình Định đi trồng dưa, tranh thủ chạy xe máy về theo tuyến QL 19. Qua chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại QL 19, địa bàn huyện Tây Sơn - ngay vùng giáp ranh Gia Lai, 5 người này làm khai báo y tế. Lực lượng trực chốt đã đưa họ về “chốt phụ” bố trí ngay phía dưới để làm thủ tục, khai thác dịch tễ, kiểm tra sức khỏe… đưa đi cách ly tập trung. 5 ly mì, 5 hộp sữa tươi, 5 chai nước lọc được lực lượng trực chốt mang đến cho họ lót dạ bữa trưa. “Biết mình về từ vùng dịch, tụi tui cố gắng chạy một mạch từ IaPa về Bình Định, không nghỉ giữa đường để tránh tiếp xúc người khác”, một người chia sẻ.
Những chuyện như vậy gần như diễn ra hằng ngày tại “điểm nóng” chốt Tây Sơn. Một ca trực 12 tiếng đồng hồ, gần 500 lượt xe khách, xe tải, ô tô cá nhân với hơn nghìn người từ Gia Lai về Bình Định, chưa kể lượng lớn mô tô, xe máy. Trung tá Võ Đắc Rin, Đội phó Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, CA huyện Tây Sơn, ca trưởng của chốt kiểm tra tại địa bàn Tây Sơn, cho hay: Chốt Tây Sơn là “cửa ngõ trọng yếu” với rất nhiều phương tiện và người từ Gia Lai về Bình Định. Từ 36 thành viên khi mới thành lập chốt, chỉ sau vài ngày huyện “chi viện” thêm 6 thành viên, đến nay đã lên 55 thành viên; bố trí 9 bàn làm thủ tục, khai báo y tế.
“Chúng tôi quán triệt lực lượng trực chốt đón Tết tại chỗ, kiên quyết thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch, kiểm soát kịp thời người về từ vùng dịch. Càng gần Tết, càng phải tăng cường, tuyệt đối không lơ là, chủ quan để giữ sự bình yên cho người dân”, trung tá Rin nói.
Còn thượng úy Đinh Văn Dinh, CA huyện Vân Canh, trưởng ca trực tại chốt QL 19C tại xã Canh Hòa (Vân Canh), giáp tỉnh Phú Yên, cho hay, 7 thành viên trực cả ngày lẫn đêm. Bình quân mỗi ngày có khoảng 600 lượt xe, phương tiện cá nhân đi qua chốt. Căng thẳng nhất là nửa đêm, lượng xe khách, xe tải về từ Đắk Lắk, Gia Lai rất nhiều.
CSGT tại chốt xã Canh Hòa (huyện Vân Canh), giáp huyện Đồng Xuân (Phú Yên), dừng xe, yêu cầu khách từ các nơi về tỉnh thực hiện khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe.
Hết tết mới về!
Chỉ thời gian rất ngắn, 3 chốt chặn địa bàn trọng yếu vùng giáp ranh giữa Bình Định với Gia Lai được tái thiết lập hoạt động 24/24 giờ. Ngoài chốt trực tại Tây Sơn, xã Canh Hòa, còn có chốt trực tại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) - giáp huyện Kbang (Gia Lai).
Trong 15 nhân viên y tế của TTYT huyện Tây Sơn và các trạm y tế xã Tây Giang, Tây Thuận, Vĩnh An, Bình Tường trực tại chốt Tây Sơn, có đến 5 nhân viên nữ; mỗi ca trực 12 tiếng. Chị Nguyễn Thị Thúy, cử nhân khoa Y tế công cộng và dinh dưỡng, TTYT huyện Tây Sơn, xác định “cắm chốt” cả ngày lẫn đêm là chuyện thường. 2 con còn nhỏ, cũng ngại chuyện “lỡ” lây nhiễm bệnh, nhưng đó là công việc! “Tôi người Tây Sơn, quê chồng ở Phú Yên. Tết năm nào, tôi cũng đưa các con về nội, nhưng Tết này xác định ưu tiên công việc, hết Tết mới về!”, chị Thúy cho hay.
Chốt Vĩnh Sơn đóng ở địa bàn miền núi, xa xôi, điều kiện khó khăn. Hôm chúng tôi đến, một bếp lửa được nhóm ngay cạnh lều tạm để xua cái lạnh cho lực lượng trực chốt. Mỗi ca trực tại chốt Vĩnh Sơn có 7 thành viên, buổi tối chia 2 ca trực, ban ngày trực 100%. Chốt chỉ có cánh đàn ông, quãng đường từ chốt về trung tâm huyện hơn 60 km đường đèo dốc, nên lực lượng trực đều khăn gói ở 2 - 3 ngày mới về thay ca. Chuyện cơm nước cũng đều “tự lực cánh sinh”.
“Chúng tôi nhận quyết định ký ngày thành lập chốt, chứ không có kết thúc, nên đến khi dừng chốt mới về. Người dân có một cái Tết an toàn đó cũng là niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi!”, y sĩ Nguyễn Đình Phương, khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT huyện Vĩnh Thạnh, tâm sự.
Bài, ảnh: THU HIỀN