Tết xa nhà của du học sinh thời Covid
Tết là dịp gia đình đoàn tụ, con cái đi học xa trở về sum họp bên mẹ cha. Thế nhưng Tết này, với các du học sinh, chuyện về quê sum họp là không thể, vì dịch bệnh Covid-19.
Những cuộc gọi video với gia đình giúp du học sinh vơi đi nỗi nhớ nhà, đặc biệt vào dịp Tết. Ảnh: MAI THỊ VÂN LÀNH
Những khó khăn nơi đất khách quê người
Tại Bình Định, những năm gần đây, ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn du học để theo đuổi ước mơ. Tuy nhiên, con đường này không phải lúc nào cũng dễ dàng và suôn sẻ. Vấn đề ngôn ngữ, thay đổi môi trường sống, chi phí sinh hoạt, chương trình học mới mẻ... là những thử thách mà bất kỳ du học sinh nào cũng phải vượt qua nếu muốn đi trọn con đường đã chọn. Khác với những năm trước, năm nay, cuộc sống của các du học sinh lại càng trở nên khó khăn hơn. Đại dịch Covid-19 đã khiến chương trình học của các em bị kéo dài. Mai Thị Vân Lành (SN 1998) đang theo học tại Trường Busan University of Foreign Studies (Hàn Quốc) cho biết: “Covid đã khiến chúng tôi phải bảo lưu từ 1 - 2 học kỳ. Hơn nữa, học online cũng là một thách thức, bởi cách thức này còn tương đối mới và cần rất nhiều sự chủ động, tập trung hơn cách học truyền thống”.
Không chỉ ảnh hưởng đến học tập, đại dịch còn tác động, chi phối vấn đề chi phí sinh hoạt. Sau hơn 5 năm sống và học tập tại Nhật Bản, Trương Thị Sanh Nhàn (SN 1998) hiện đang theo học tại ĐH Aomori Chuo Gakuin (TP Aomori), chia sẻ: “Tại Nhật, khó tìm được việc làm thêm trong hoàn cảnh này bởi hầu hết các hàng quán đều không có nhu cầu tuyển thêm nhân viên. Nếu có, thì cũng được xếp lịch rất ít nên thu nhập giảm, do đó cũng giảm chi tiêu”. Còn Phạm Đức Toàn (SN 2002) vừa tốt nghiệp Trường John Paul College (Australia) nói: “Covid đã khiến đời sống người dân ở Australia thay đổi, trong đó, du học sinh là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Có những bạn không thể trang trải nổi học phí nên phải từ bỏ việc du học”.
Và hiện tại, tác động tiêu cực của Covid-19 đã khiến các du học sinh không thể đón tết Tân Sửu với gia đình tại quê hương.
Những túi thực phẩm của gia đình gửi sang là món quà quý giá đối với những du học sinh không thể về quê đón Tết cùng gia đình vì đại dịch Covid-19. Ảnh: TRƯƠNG THỊ SANH NHÀN
Tập thích nghi, đón cái Tết xa nhà
Đón Tết xa nhà là một lựa chọn bất đắc dĩ của các du học sinh. Sanh Nhàn tâm sự: “Tôi và các bạn đều rất muốn về nước. Tuy nhiên, giá vé máy bay tăng 4 - 5 lần cùng với phải cách ly thời gian dài đã khiến chúng tôi đành chấp nhận đón Tết tại Nhật Bản”.
Và để giữ vững tinh thần, vượt qua khó khăn, đón một cái Tết xa nhà, nơi đất khách quê người, các du học sinh đã có những kế hoạch riêng cho mình. Trong số đó, tập nấu món ăn truyền thống, đậm chất Việt là điều mà các em lựa chọn. Vì không thể về nước, không được thưởng thức củ kiệu, dưa hành... nên các em đã tự mình chế biến. Đây cũng được xem là trải nghiệm thú vị, vừa có thể tiết kiệm chi phí, vừa giúp khả năng nấu nướng thêm phần tiến bộ.
Bên cạnh việc tạo ra không khí Tết cổ truyền tại nơi sinh sống, các du học sinh vẫn phải tuân thủ các quy định về việc đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 của nước sở tại. Toàn chia sẻ: Tại Brisbane (Australia), chính quyền rất quan tâm đến các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt ở nơi công cộng. Bởi vậy, số bệnh nhân nhiễm bệnh bị hạn chế tối đa. Mọi người phải đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Du học sinh cũng nghiêm túc tuân thủ các quy định trên. Điều này có nghĩa, chúng tôi được phép tự tay bày biện một cái “Tết thu nhỏ” cho mình nhưng vẫn phải thực hiện đúng các nguyên tắc phòng dịch ở từng quốc gia khác nhau. Đây là yếu tố then chốt, đảm bảo Tết an toàn, lành mạnh.
Tuy nhiên, không khí Tết chỉ thật sự đến khi được kết nối với gia đình. Những cuộc gọi video vì thế mà không thể thiếu. “Xác định đón Tết tại Hàn, cũng là lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, tôi thường xuyên gọi về cho bố mẹ hơn. Trò chuyện với gia đình giúp tôi vơi bớt cảm giác nhớ quê, nhớ nhà”, Vân Lành tâm sự. Thông qua các cuộc gọi, phụ huynh có thể nắm bắt được tình hình hiện tại của con mình, đồng thời, kịp thời dặn dò, chia sẻ, giúp con bớt cô đơn nơi xứ lạ trong mùa đoàn viên. “Tuy rất muốn cả gia đình đoàn viên đón năm mới, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay ở nước ngoài, rất khó để thực hiện điều đó. Tôi chỉ có thể gọi điện, tâm sự với con. Mong rằng, đại dịch sớm được đẩy lùi để các con có thể cùng gia đình đón một cái Tết đúng nghĩa”, phụ huynh của Vân Lành chia sẻ.
Tết xa nhà, nghe có chút chạnh lòng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, việc thích nghi và quen dần với nhiều đổi thay là cần thiết. Là những người trẻ mang trong mình nhiều hoài bão, không ngại khó khăn, thử thách, hy vọng các du học sinh có thể vượt qua những trở ngại trước mắt, đón một cái Tết thật khỏe mạnh, an vui và ý nghĩa.
LINH DƯƠNG