Người Quy Nhơn & núi
Nội thành Quy Nhơn có 3 ngọn núi: Bà Hỏa, Xuân Vân và Vũng Chua. Gần như ngày nào cũng có người lên núi, nhưng đông nhất là vào những ngày cuối tuần. Ngay cả bản thân người Quy Nhơn có lẽ cũng không nhận ra rằng họ đã tạo thêm một nét “tính cách Quy Nhơn” từ một hoạt động vừa có chất TDTT vừa có tính cộng đồng độc đáo mà tôi sẽ kể dưới đây.
Khi leo lên đến đỉnh núi ở Quy Nhơn ta sẽ nhận được quà tặng là những góc máy siêu đẹp. Ảnh: NGUYỄN KHOA VIỆT SANG
Thể hiện tình yêu nơi mình sống
Từ trước đến nay, khi nhắc đến leo núi, người ta thường nghĩ rằng đây là hoạt động mang tính chinh phục. Nhất là từ khi phong trào trekking nổi lên gắn liền với cuộc chinh phục những đỉnh núi như: Bà Đen (986 m), Tà Năng - Phan Dũng (1.701 m), Lang Biang (2.167 m)... Nhưng khác với các cuộc leo núi kể trên, ở Quy Nhơn người ta gần như nghĩ đến chinh phục, không cho đó là một cái gì đó lớn lao. Không phải vì những ngọn núi ở Quy Nhơn có độ cao thấp: Vũng Chua - 600 m, Bà Hỏa - gần 300 m, Xuân Vân - gần 250 m, không phải độ khó không lớn, mà vì người Quy Nhơn đơn thuần xem đây như một hoạt động thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, như đi chơi cuối tuần và với những người đã đều đặn -giản dị là thể hiện tình yêu nơi mình sống.
Một người bạn mới quen của tôi chia sẻ: “Thay vì đi tập thể dục ở công viên như mọi ngày tại sao lại không thử tăng độ khó? Thay vì ăn sáng, uống cà phê như mọi khi, tại sao chúng ta cùng nhau làm điều gì đó đặc biệt hơn? Tôi nghĩ điều quan trọng là ta dành thời gian cho những người mình yêu quý, cho thành phố mình đang sống!”. Cũng lạ vì quanh quanh các thành phố như: Tuy Hòa, Quảng Ngãi, Nha Trang cũng có nhiều núi nhưng chưa có nơi nào có phong trào leo núi như Quy Nhơn. Nên bảo đó là “tính cách Quy Nhơn” cũng có lý.
Sáng leo núi, chiều tắm biển
Đầu năm nay, khi đưa những người bạn ở Sài Gòn về Quy Nhơn chơi, tôi đã rủ họ đi leo núi cùng mình. Thông thường khi đến Quy Nhơn du lịch, người ta chỉ hay nhắc tới biển. Tôi lôi kéo cho bằng được các “du khách” chinh phục đỉnh Bà Hỏa với lời hứa: “Mọi người sẽ thấy, chỉ riêng việc được ngắm Quy Nhơn đã là một món quà”.
Đi trúng vào dịp cuối tuần nên trong suốt hành trình chúng tôi đã gặp rất nhiều hội, nhóm, từ những bạn học sinh cấp ba, cho đến các cô các chú lớn tuổi. Từng đoàn người lướt qua tuy không quen biết nhưng vẫn liên tục vui vẻ chào nhau, hỏi thăm nhau đôi ba câu kèm một nụ cười động viên. Đoàn chúng tôi, vì toàn bọn trẻ tham ngủ nên 6 giờ mới xuất phát, nên được nhiều cô chú… hăng hái tư vấn: “Lần sau muốn ngắm mặt trời mọc mấy đứa nhớ đi từ lúc 4 - 5 giờ. Đẹp lắm!”. Những cuộc trò chuyện, tư vấn như vậy khiến ngay cả những người không quen vận động như chúng tôi cũng thấy việc chinh phục một ngọn núi trở nên khả thi hơn.
Khi lên đến đỉnh núi, “món quà” tôi hứa hẹn với các bạn mình hiện ra: Hình ảnh Quy Nhơn dưới ánh sáng trong veo đầu ngày. Khi nhìn ngắm khung cảnh thành phố sáng hôm ấy tôi chợt nhận ra điều mà những người leo núi kia mong đợi khi lên tới đỉnh không phải là cảm giác choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên. Quy Nhơn vẫn hiện ra thật hiền lành, chỉ thong thả nép mình sưởi nắng bên dải biển xanh. Từ trên cao, chúng tôi vẫn thấy được khu mình sống, thấy trường cấp 3, thấy cả những góc đường quen thuộc vẫn hay tụ tập cùng nhau. Quy Nhơn vẫn là Quy Nhơn, vừa rất gần mà vẫn đủ xa để lung linh ngay dưới ánh mặt trời.
Người Quy Nhơn lên núi để hít thở một bầu không khí khác, ngắm nhìn thành phố của mình trong góc nhìn khác, tự nhắc nhở bản thân và cùng nhau làm lan tỏa vẻ đẹp giản dị của thành phố mình. Và chính những người bạn Sài Gòn kết luận, Quy Nhơn được trời phú cho địa thế “tựa sơn, hướng thủy”, một ngày đi chơi trọn vẹn nhất phải là sáng leo núi, chiều tắm biển, Quy Nhơn phải quảng bá mạnh mẽ hơn chi tiết này với du khách.
Cùng nhau chinh phục đỉnh Bà Hỏa. Ảnh: NHÂN DUYÊN
“Tính cách Quy Nhơn”
Rất nhiều người đã leo núi với tâm thức tôn giáo, tâm linh leo núi Sam (Châu Đốc, An Giang), Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh)… Lại có một điểm khác của Quy Nhơn vì người Quy Nhơn không vậy. Hoạt động leo núi của người dân Quy Nhơn đa phần không hề mang màu sắc tâm linh. Bởi ngay cả núi Xuân Vân (hay còn gọi là núi Đức Mẹ) có tượng Đức Mẹ và tượng Thánh giá được xây dựng cho đồng bào Công giáo hành hương, chiêm bái và nguyện cầu nhưng gần như người leo lên núi Xuân Vân không vì mục đích ấy. Cũng không riêng gì với Xuân Vân, không chỉ với những ngọn núi ở nội thành mà cả ở vùng ngoại thành - bên Nhơn Hội, Nhơn Lý, ở phường Bùi Thị Xuân, người Quy Nhơn cũng leo núi không để cầu xin hay phát nguyện điều gì cả. Phải chăng người Quy Nhơn đã tự nhiên, như nhiên mà thấu suốt được một điều rằng: Một khi đã đủ đầy, ta sẽ không cần tìm kiếm điều gì xa lạ bên ngoài nữa. Thành phố này đã cho ta đủ sức khỏe và niềm vui!
Có thế thấy, người Quy Nhơn xem việc leo núi thuần túy là một hoạt động nhằm nâng cao sức khỏe và mang tính gắn kết. Từ cách nhìn nhận này, những người đầu tiên leo núi đã kêu gọi mọi người xung quanh cùng tham gia và biến đây trở thành một hoạt động TDTT định kỳ và có tính tổ chức. Đáng mừng hơn, hoạt động leo núi ở Quy Nhơn ngày càng giàu có thêm về ý nghĩa, sau khi chia sẻ, hỗ trợ nhau trong nội bộ, các thành viên cùng nhau dẫn dắt mình đến với các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng tốt đẹp hơn.
Ngay cả những bạn trẻ ham vui cũng không xem những đỉnh núi kia là địa điểm chỉ đến “check-in cho biết”, họ dần gắn bó với nhau và tự nguyện truyền thông cho một Quy Nhơn tốt đẹp, lôi cuốn hơn. Gần đây còn có thêm nhiều nhóm rủ nhau lên núi từ chiều hôm trước để ngắm hoàng hôn xuống và dậy sớm để kịp đón bình minh lên! Leo núi khiến người Quy Nhơn bày tỏ tình yêu với thành phố của mình, không phải bằng lời nói mà bằng thời gian và sức lực, lưu lại dấu ấn của mình ở khắp mọi nẻo đường gần xa của thành phố và truyền tình yêu này đến với nhiều bạn bè phương xa.
***
Họ không mang vác gì nhiều khi lên núi, không mong đợi gì nhiều lúc đến đỉnh, họ xuống núi với niềm vui giản dị, chan hòa. Người Quy Nhơn nhẹ bước lên núi hiểu đúng cả trong tâm hồn và thân xác. Tôi gọi tổng hòa những đặc điểm, chi tiết trên là “tính cách Quy Nhơn”.
TRẦN THỊ NHÂN DUYÊN