Xuân về trên các làng tái định cư ở Vĩnh Thạnh
Tết Tân Sửu 2021 này là cái Tết thứ 16 của người dân ở các làng tái định cư để xây dựng hồ Ðịnh Bình (huyện Vĩnh Thạnh). Giáp Tết, chúng tôi về thăm lại các làng và thật bất ngờ khi chứng kiến nhiều sự đổi thay trên các vùng quê mới.
Xã Vĩnh Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: LONG VŨ
1.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, cách đây tròn 16 năm, trên 700 hộ dân thuộc 2 xã Vĩnh Hòa và Vinh Kim cũ đã di dời đến các làng tái định cư mới tại khu phố Klok Pok, Kon Kring (thị trấn Vĩnh Thạnh), Đồng Binh - Hà Nhe (xã Vĩnh Hòa), Suối Xem - Định Nhì (xã Vĩnh Thuận) thuộc huyện Vĩnh Thạnh… để nhường đất xây dựng công trình đại thủy nông Định Bình, với dung tích chứa hơn 220 triệu m3 nước (công trình hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Định).
Về các làng tái định cư vùng lòng hồ Định Bình vào thời điểm giáp tết Nguyên đán Tân Sửu, ngồi trên bậc nhà rông, cùng trò chuyện với các bá, các bok, các mế… hầu như ai cũng thấy phấn khởi, mãn nguyện về cuộc sống tại nơi ở mới. Chị Đinh Thị Khoáy, ở làng 3, xã Vĩnh Thuận, phấn khởi nói: “Cuộc sống của người dân trong làng bây giờ đổi thay nhiều lắm! Có được kết quả đó chính là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước từ việc đầu tư bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, xây dựng công trình điện, nước sạch đến hỗ trợ đất sản xuất, tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT trong trồng trọt và chăn nuôi cho nhân dân. Gia đình tôi cũng được Nhà nước cấp hơn 3 ha đất để trồng rừng kinh tế và các loại cây trồng cạn như bắp lai, bí, ớt, đậu xanh, lúa nước…, nên mỗi năm có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng, lợi nhuận gần trăm triệu đồng. Thu nhập ổn định, có của ăn của để nên khi Tết đến xuân về người dân chúng tôi cảm thấy rất phấn chấn, vui tươi”.
Còn già làng Đinh Phik, 68 tuổi, ở làng 6, xã Vĩnh Thuận, vui mừng nói: Từ ngày di dời đến làng mới, được sự chính quyền các cấp tạo điều kiện cho bà con an cư, lạc nghiệp. Làng 6 có 33 hộ với 126 nhân khẩu. Ai cũng được cấp đất sản xuất để ổn định làm ăn. Đất đai, thổ nhưỡng khá tốt nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng phát triển, tạo thu nhập đáng kể cho bà con. “Hiện, làng 6 không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm đáng kể. Cuộc sống của người dân giờ đây khá hơn nhiều lắm!”, già làng Đinh Phik nói.
Theo ông Đinh Văn Sao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, nhờ các chính sách tái định cư phù hợp, với quan điểm phải tạo điều kiện tốt nhất để người dân định canh, định cư tại nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhờ cách làm hiệu quả, đồng bào Bana ở xã Vĩnh Thuận rất tin tưởng vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, phát huy khối đại đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Người dân xã Vĩnh Hòa thu hoạch bí đỏ. Ảnh: LONG VŨ
2.
Trên con đường bê tông thẳng tắp dẫn từ xã Vĩnh Thạnh đến trung tâm xã Vĩnh Hòa dài hơn 8 km, 2 bên đường là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, nhà nào cũng cắm cờ Tổ quốc, trồng hoa trước nhà trông thật khang trang, sạch đẹp. Những ngày giáp Tết, người dân trong xã ai ai cũng hối hả dọn dẹp nhà cửa, nhộn nhịp mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết để chuẩn bị ăn Tết.
Đưa chúng tôi đi thăm làng M9, anh Đinh Văn Chiệu, trưởng làng, cho hay: Làng M9 là một trong 4 làng đồng bào Bana tái định cư sớm nhất để nhường đất xây dựng hồ Định Bình. Trước đây, đường giao thông trong làng chưa được đúc bê tông như bây giờ, nhà cửa thưa thớt lắm. Nhưng bây giờ, sau nhiều năm được tỉnh, huyện quan tâm, cơ sở hạ tầng của làng đã cơ bản được đầu tư nâng cấp hoàn thiện. Đường đi lối lại được nâng cấp, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa.
Theo anh Chiệu, làng M9 hiện có 93 hộ gia đình với 319 nhân khẩu. Mỗi hộ gia đình được cấp bình quân từ 2 đến 4 sào ruộng làm lúa nước, 1 ha đất trồng cây trồng cạn và 1 ha đất đồi để trồng rừng. Trong nhiều năm qua, nhờ tiếp cận được các tiến bộ KHKT trong sản xuất nên bà con thường xuyên được mùa. Tết này người dân trong làng sẽ ăn Tết đầm ấm, vui tươi nên ai cũng phấn chấn, vui vẻ.
Ông Phạm Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Trong phát triển kinh tế, xã đã thực hiện tốt chủ trương về khai thác các tiềm năng, lợi thế, tập trung thâm canh và khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, phát triển chăn nuôi gia súc gắn với khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ có nguồn nước ổn định từ hồ Hà Nhe, hàng năm người dân trong xã đã sản xuất 174 ha lúa nước. Ngoài ra, toàn xã trồng hàng trăm ha cây trồng cạn, hoa màu, kết hợp chăn nuôi bò lai, heo đen, gà, dê… mang lại thu nhập đáng kể cho các gia đình.
Hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã Vĩnh Thuận được đầu tư nâng cấp hoàn thiện. Ảnh: NGUYỄN HÂN
3.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành phấn khởi: Nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, đến nay cuộc sống của nhân dân ở các xã tái định cư vùng lòng hồ Định Bình đã khởi sắc hẳn, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng từng bước được nâng cao. Người dân đoàn kết, tin tưởng vào đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tích cực thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Những kết quả đạt được trên chính là bằng chứng sinh động nói lên sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho nhân dân vùng tái định cư. Đúng theo cam kết mà lãnh đạo tỉnh đã hứa là tạo mọi điều kiện thuận lợi để cuộc sống của nhân dân tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với các chương trình, dự án khác để nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
NGUYỄN HÂN