KẾT NỐI TUỒNG VỚI NGƯỜI TRẺ:
Lời yêu chắp nhặt dong dài
Nghệ thuật tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung đang mất dần chỗ đứng trong công chúng trẻ. Không phải không biết tuồng là vốn quý nhưng đáng tiếc khi nhắc đến tuồng, phần nhiều các bạn trẻ đều giữ thái độ “kính nhi viễn chi”.
Tôi, người viết bài này có may mắn tiếp cận sớm với tuồng nên có thể cảm nhận được một phần vẻ đẹp của di sản, xin được nói ngay sẽ không quá khó hiểu và ngần ngại xem tuồng nếu các bạn chịu khó dành một chút thời gian tìm hiểu. Ở chiều ngược lại, cơ quan quản lý văn hóa, các đơn vị biểu diễn cũng cần làm tốt hơn nữa hoạt động truyền thông, hướng dẫn. Như mọi ngành sản phẩm nghệ thuật, sáng tạo việc thông hiểu luôn phải đến từ hai phía.
Nghệ nhân tuồng Hoàng Việt. Ảnh: Do nhân vật cung cấp
Có tích mới dịch ra tuồng
Nhà tôi ở gần Lăng Ông Nam Hải, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, nơi thường xuyên diễn ra các đêm biểu diễn tuồng. Màu sắc sặc sỡ từ các bộ trang phục lôi cuốn, tiếng hát kỳ lạ giàu nội lực thu hút tôi, hồi nhỏ tôi đến chỗ có biểu diễn tuồng trước tiên là vì tò mò. Các bà, các bác thấy tôi ham hiểu biết nên vui vẻ chỉ giảng về nội dung vở diễn, những câu hát hay, những vũ điệu đẹp… Sau nhiều lần như vậy, từ chỗ chỉ là tò mò dần dần tôi có thể tự xem tuồng và cảm nhận được một phần vẻ đẹp của vở diễn. Thành thật mà nói chỉ bấy nhiêu tôi đã rất vui.
Không phải vô cớ mà thành ngữ có câu “có tích mới dịch ra tuồng”. Lớn lên có điều kiện học hành bài bản, đọc sách báo, tạp chí tôi nhận ra, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả những vở diễn có chỗ đứng trong trí nhớ của công chúng đều gắn bó với một điển tích nào đó từ những câu chuyện xưa, những bộ tiểu thuyết kinh điển. Cuộc sàng lọc tự nhiên, hoàn toàn vô tư trong công chúng theo thời gian khiến những gì còn lại đều là tinh túy. Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy, nếu hiểu được nội dung, lớp lang vở diễn, nhận diện được các tuyến nhân vật, ta sẽ mau chóng hiểu được tinh thần vở diễn và đến được với tuồng. Ví dụ muốn hiểu được trích đoạn “Lan Anh lạc đẻ” buộc phải hiểu cốt chuyện của vở Hộ Sanh Đàn; hoặc muốn hiểu các tình tiết, bài trí sân khấu đầy sáng tạo và lạ lẫm khi xem vở “Quan khiêng võng”, ít nhất người xem phải nắm bắt những điểm then chốt về sự nghiệp của danh sĩ Lê Đại Cang.
Phải thừa nhận với nhau rằng, ít nhiều tuồng còn chỗ đứng trong công chúng phần lớn là nhờ vào nỗ lực không mệt mỏi của hàng chục đoàn tuồng “chân đất”. Tuy nhiên điều đáng tiếc là những đoàn tuồng này không có điều kiện đẩy mạnh truyền thông về các vở diễn, không có tờ gấp thuyết minh nội dung vở diễn… Nói chung là không cung cấp cho người xem thông tin cơ bản về vở diễn. Thành ra chỉ những người từng biết qua về nội dung mới theo kịp, với những bạn trẻ, nhất là những bạn ít được xem tuồng nhiều lắm chỉ hiểu lờ mờ, mang máng.
Ngọt ngào những đêm tuồng chân đất
Nhờ những người bạn xóm biển và chút ít kiến thức tích lũy từ những đêm tuồng ở Lăng Ông, tôi có điều kiện đến với những đêm diễn tuồng tại một số làng chài khác quanh quanh Quy Nhơn, Tuy Phước. Tôi xem đó lại là một may mắn lớn của riêng mình.
Trò chuyện với tôi, ông Lê Văn Đức, một người dân ở làng chài Hải Minh, TP Quy Nhơn chia sẻ, năm nào làng cũng tổ chức lễ hội cầu ngư và mời đoàn tuồng về biểu diễn. Bà con rủ nhau đi xem, mấy đứa trẻ chủ yếu là hẹn hò, gặp gỡ nhau nhưng không nhiều. Những điều hay lẽ phải, cách ăn ở sao cho trọn vẹn nghĩa nhân từ vở diễn sẽ đi vào cuộc sống mỗi ngày một ít. Nghệ thuật truyền thống có cách tạo ấn tượng hay lắm, có người già bên cạnh chỉ dẫn những điều hay, lẽ đẹp sẽ len lỏi vào tâm hồn. Cho nên các ông già bà cả làng biển hay dắt trẻ nhỏ đi xem tuồng là vì vậy.
Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi độ có biểu diễn tuồng lũ trẻ chúng tôi lại tìm cách có mặt từ rất sớm để giành chỗ ngồi xem ưng ý nhất. Những đoạn không hiểu, tôi lại khèo khèo ông bà ngồi cạnh để gặng hỏi. Dần dần, tôi thấy tuồng cũng không quá “rườm rà, khó hiểu ” như nhiều người vẫn nghĩ. Ông Năm Hoàng, một kép tuồng chân đất quê ở huyện Hoài Ân kể, ngày trước người dân thạo tuồng lắm, họ biết đoàn nào có những diễn viên nào diễn hay, kịch mục có được bao nhiêu vở. Thành ra khi ký tờ (hợp đồng biểu diễn) họ buộc phải ghi rõ diễn vở gì, bắt buộc phải có những diễn viên nào. Mỗi buổi diễn mỗi khác, hát hay là có thưởng mà hát dở thì họ chê - chê qua tiếng trống cắc cắc của người cầm chầu đấy! “Để hát một câu tuồng, múa một động tác tuồng không đơn giản, vẽ một mặt tuồng cũng rất kỳ công. Những nghệ sĩ có thâm niên như chú, vẽ một mặt tuồng khoảng 30 phút, nhưng thế hệ trẻ phải mất hai tiếng. Nghệ sĩ tuồng phải như những họa sĩ, khi hóa thân vào nhân vật nào phải biết hóa trang đúng với nhân vật ấy, phải hiểu và thể hiện được đúng tính cách của nhân vật. Thành ra ở thời buổi khó khăn này, chỉ cần còn theo đoàn tuồng biểu diễn là đã có tình yêu với nghệ thuật này rồi!” - chú Trần Vân, một nghệ sĩ tuồng chân đất bộc bạch.
Tiếng trống chầu ở làng chài ven biển
Tầm tháng Giêng, tháng Hai từ nông thôn đến vùng ven biển Bình Định hay có biểu diễn tuồng. Từng xem tuồng ở nhiều không gian khác nhau nhưng không đâu khiến tôi hứng khởi như những đêm tuồng ở các làng chài ven biển. Và điểm khiến tôi thầm vui là vẫn còn khá khá các bạn trẻ.
Khán giả trẻ cần nghe - hiểu lời ca, vũ đạo, bối cảnh và thậm chí là hóa trang của nhân vật mới thấy cái hay, cái tài của những nghệ sĩ tuồng. Tại nhiều buổi diễn, hình ảnh người già giảng giải cho các bạn trẻ về tình tiết, họa tiết hóa trang, giúp con cháu hiểu được cái hay và cái đẹp của tuồng khiến tôi thầm vui mừng. Khoảng cách giữa nghệ thuật tuồng truyền thống trăm năm với những nếp tóc “móc lai” đương đại được thu ngắn lại nhờ những lời truyền bảo ấm áp, chân tình như vậy. Không gian diễn xướng tuồng ở các làng chài thường rộng rãi, tâm tính của dân biển lại khoáng đạt, chỉ riêng hai điều này đã tạo môi trường tốt cho tuồng len lỏi, bắt rễ vào đời sống của người dân.
Tuồng vốn có tính ước lệ rất cao nếu không muốn nói thuộc hàng cao nhất trong nghệ thuật sân khấu. Tiếp cận với tính ước lệ không phải là dễ nhưng khi đã nắm được quy tắc thì coi như nắm được chìa khóa. Khi được trải nghiệm với những nghệ sĩ giỏi nghề thì việc thông hiểu càng thêm dễ dàng. Ông Phạm Hoàng Việt, nghệ nhân tuồng chia sẻ: Cha mẹ tôi là đôi nghệ nhân tuồng nổi tiếng năm xưa Hoàng Chinh - Hồng Thu, tôi yêu mến và thông hiểu tuồng tích là như một điều tự nhiên và dễ hiểu. Tôi cũng từng góp mặt tại nhiều đêm diễn của các đoàn tuồng không chuyên và hiểu được khán giả của mình. Bao đời nay chúng tôi vẫn rong ruổi biểu diễn cho người dân xem và mọi thứ vẫn vẹn nguyên như thế, tuồng là nét đẹp văn hóa được chính người dân giữ gìn với tình yêu của mình. Nghệ thuật hát tuồng như cây xanh đã bắt rễ trong lòng nhân dân, nó không thể mất đi hay lụi tàn, nhưng nếu được chính quyền, ngành văn hóa quan tâm đầu tư đúng mức, đúng hướng thì chúng ta sẽ có những rừng cây xanh tốt.
LÊ HUỲNH KIỀU Ý