Trù phú những làng biển ở Hoài Nhơn
Về phường Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của những địa phương này. Những làng biển nghèo khó trước đây với các dãy nhà lụp sụp giờ đã thay bằng những ngôi nhà cao tầng, cùng đội tàu thuyền công suất lớn không ngừng hạ thủy vươn khơi xa.
Những ngôi nhà khang trang “mọc” lên ngày càng nhiều tại các phường Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Hoài Thanh.
Chúng tôi về phường Hoài Hương vào những ngày cuối tháng Chạp năm Canh Tý 2020. Dù đời sống người dân nơi đây có đôi chút xáo trộn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng không khí Tết đã len vào từng ngôi nhà, khu phố. Mọi người đang hối hả dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Khắp nơi nhộn nhịp và rực rỡ sắc cờ, hoa.
Nét nổi bật ở phường Hoài Hương trong khoảng 3 năm trở lại đây là những ngôi nhà cao tầng rộng rãi, khang trang liên tục mọc lên tại các khu dân cư. Người dân địa phương ví von đây là “lộc” mà đại dương ưu ái cho những con người sắc son với biển.
Theo UBND phường Hoài Hương, hiện địa phương có 434 tàu cá với tổng công suất 246.700 CV. Năm 2020, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản được 20.250 tấn, đạt hơn 101% so với kế hoạch. Về tổng giá trị sản phẩm địa phương, Hoài Hương đạt hơn 1.690 tỷ đồng; thu nhập bình quân 66 triệu đồng/người/năm (tăng 1 triệu đồng so với nghị quyết đề ra).
Bên cạnh đó, giá trị tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ ngày một tăng. Hiện trên địa bàn phường có 1.364 hộ kinh doanh cá thể; 1.228 hộ hoạt động thương mại - dịch vụ - công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tổng giá trị sản xuất trong các lĩnh vực này đạt hơn 1.018 tỷ đồng (đạt tỷ trọng hơn 60%).
Ông Cao Văn Tây, Chủ tịch UBND phường Hoài Hương, phấn khởi: “Hoài Hương đang thay đổi từng ngày. Điều này có được là nhờ những năm qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân. Có cơ hội này, nhiều hộ đầu tư kinh phí cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn để vươn ra khơi xa. Nhiều ngư dân địa phương đã vượt lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương”.
Rời Hoài Hương, chúng tôi tiếp tục ghé thăm các làng biển ở phường Hoài Thanh và Tam Quan Bắc và không khỏi choáng ngợp trước sự trù phú của những khu dân cư thuộc khu phố Lâm Trúc 1, Lâm Trúc 2 (phường Hoài Thanh) và Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2 (phường Tam Quan Bắc). Dọc hai bên đường, những ngôi nhà khang trang, hiện đại nằm san sát nhau. Ngoài ra, những cơ sở thu mua hải sản, cửa hàng bán ngư cụ, các khu dịch vụ - thương mại, nhà hàng… không ngừng mọc lên và hoạt động sầm uất, náo nhiệt.
Đặc biệt, Cảng cá Tam Quan (phường Tam Quan Bắc) ken dày những tàu cá công suất lớn. Những chuyến tàu đánh bắt xa bờ trở về cập cảng với khoang hầm chứa đầy thủy, hải sản. Những chuyến xe đông lạnh nhộn nhịp vào cảng thu mua cá để chuyển đi tiêu thụ nhiều nơi. Đây là kết quả của sự cần cù, chịu khó vươn ra biển lớn, làm giàu cho gia đình và quê hương của người dân Tam Quan Bắc nói riêng, ngư dân TX Hoài Nhơn nói chung.
Song hành với nghề khai thác thủy sản, nghề đóng tàu vỏ gỗ truyền thống ở phường Tam Quan Bắc cũng không ngừng lớn mạnh và trở thành “mũi nhọn” trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Nghề đóng tàu góp phần đáng kể giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Bắc, bao năm qua, những ngư dân ở địa phương luôn bám biển, tìm cách vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hộ đầu tư kinh phí, trang bị đội tàu công suất lớn, vươn khơi xa đánh bắt thủy hải sản, trở thành tỷ phú.
Với người dân ở các địa phương ven biển của TX Hoài Nhơn như phường Hoài Hương, Hoài Thanh, Tam Quan Bắc, cuộc sống thực sự có ý nghĩa khi họ luôn quyết tâm “vượt lên chính mình” để kiên cường bám biển, vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, bà con ngư dân đã góp phần bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: CÔNG LUẬN