Cơ hội mới cho các môn võ
Trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc, bên cạnh việc đồng ý với đề xuất cấp kinh phí cho một số VĐV môn karatedo tập luyện chuẩn bị tham dự Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đinh Khắc Diện còn lưu ý đến việc tổ chức các giải hàng năm cho những môn võ khác như: vovinam, teakwondo… Trong đó, ngành thể thao sẽ hỗ trợ phần kinh phí tổ chức, còn lại các CLB sẽ đóng góp thêm. Có thể nói đây là một thông tin rất vui đối với các môn võ này.
Sở dĩ nói đây là thông tin vui vì hầu như từ trước đến nay chúng ta chưa tổ chức giải đấu nào dành riêng cho các môn võ như: vovinam, taekwondo hay karatedo. Vì vậy, dù gầy dựng được phong trào tập luyện ở một số địa phương tương đối mạnh, thậm chí chúng ta đã có đội tuyển taekwondo, nhưng thành tích thi đấu ở các giải vô địch quốc gia của những môn võ này còn khá khiêm tốn. Có thể hiểu được rằng trong chiến lược phát triển thể thao Bình Định ở từng giai đoạn, chúng ta chỉ có thể tập trung vào một số môn có truyền thống và có thành tích nhất định chứ không thể đầu tư dàn trải. Chỉ khi VĐV của những môn còn ở dạng “phong trào” đạt được thành tích nào đó thì mới được hưởng chế độ. Chính điều này là “rào cản” lớn để các bộ môn nói chung vươn đến tầm quốc gia, bởi ngay cả khi được đầu tư bài bản còn khó tranh chấp ở các giải đấu, huống gì chỉ tập luyện ở dạng phong trào.
Muốn phát triển phong trào để nâng dần chất lượng của các bộ môn thể thao, một trong những điều kiện quan trọng là phải thường xuyên duy trì và tổ chức các giải đấu. Qua đó, các VĐV được trui rèn, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và cải thiện khả năng chuyên môn. Các giải đấu còn có tác dụng kích thích phong trào phát triển, bởi nếu chỉ tập luyện “chay” mà không được thi đấu thì vừa làm giảm hứng thú, vừa không biết mình đang ở đâu để phấn đấu. Để khắc phục việc thiếu điều kiện cọ xát, một số võ sư, HLV đã “chữa cháy” bằng cách cho võ sinh của mình tham gia thi đấu giải của các môn khác (như võ cổ truyền - vốn được tổ chức hàng năm). Đây là nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng điều đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi mỗi môn võ có luật thi đấu khác nhau, đòi hỏi VĐV áp dụng những chiến thuật, đòn đánh khác nhau. Nên việc cho VĐV môn A đi đánh giải dành cho môn B cũng chỉ tăng cường cảm giác thi đấu cho VĐV, chứ không thể nâng cao chất lượng chuyên môn ở môn mà VĐV đó đang tập luyện.
Nếu đề xuất này trở thành hiện thực, các bộ môn sẽ tuyển chọn được những gương mặt ưu tú nhất, góp mặt ở các giải quốc gia và đem về những thành tích tương xứng cho thể thao Bình Định. Hy vọng điều đó sẽ không còn xa!
VŨ LÊ