Nồng đượm yêu thương với bánh chưng, bánh tét “homemade”
Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, việc cùng nhau gói bánh ngày Tết dần trở nên ít đi, đặc biệt là với các gia đình ở thành phố. Thế nhưng, ở một số nếp nhà, vẫn duy trì việc quây quần bên nhau gói, nấu những mẻ bánh chưng, bánh tét đượm tình thân, vị tết.
Đại gia đình đoàn viên, cùng nhau làm ra những “sản phẩm” đánh dấu một năm cũ đã qua và năm mới sắp đến. Ảnh: DƯƠNG VY
Mẻ bánh của nhiều thế hệ
Chừng 27 tháng Chạp hằng năm, đại gia đình gồm 4 thế hệ của chị Nguyễn Thị Xuân Dung (phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) lại quây quần, tất bật nấu, gói bánh. Miệng nói, tay làm, thế hệ trước tỉ mỉ hướng dẫn thế hệ sau cách gói sao cho đẹp, buộc lạt sao cho chắc chắn. Những đôi tay quen việc thoăn thoắt làm, những đôi tay mới học việc chầm chậm, lóng ngóng làm theo. Khoảng cách thế hệ nhờ đó mà được rút ngắn. Tiếng cười nói xen lẫn đôi ba lời đùa nghịch đầy yêu thương làm không gian căn bếp những ngày cuối năm ấm áp hẳn.
Nắng xuân ngoài ngõ đã tràn vào nhà, gieo lên những nụ mai mới chớm và cả những chiếc bánh chưng đang dần được hoàn thiện. Đại gia đình đoàn viên, cùng nhau làm ra những “sản phẩm” đánh dấu một năm cũ đã qua và năm mới sắp đến. Tết là đây chứ đâu!
Chị Xuân Dung chia sẻ: “Đây là ngày vui nhất vì hầu như mọi người trong nhà đều có mặt đông đủ, ai đi xa tới đâu thì sẽ cũng về. Thói quen này đã được duy trì mấy mươi năm, trở thành một phần không thể thiếu mỗi dịp tết của gia đình mình”.
Tương tự, gia đình bạn Trương Thanh Xuân (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) cũng duy trì thói quen gói bánh ngày Tết gần 20 năm qua. Xuân tâm sự: “Việc nấu bánh chưng bánh tét dịp Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, được gia đình chúng tôi thực hành với tất cả sự trân trọng. Với ông bà, nấu bánh như một niềm vui, gợi nhớ kỷ niệm ngày xưa. Với các mẹ, các dì, đây lại là dịp thể hiện sự vén khéo, chu toàn với gia đình. Còn với các con cháu, không gì bằng cơ hội được gặp nhau, trò chuyện, thức thâu đêm bên nồi bánh, rôm rả kể cho nhau nghe chuyện công việc, học tập của mình, xua tan đi những ưu phiền của một năm đã qua”.
Cứ thế, với nhiều gia đình, gói bánh ngày Tết không đơn thuần là làm bánh, mà là lưu giữ những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bồi đắp cho con cháu lòng yêu quê hương, gia đình, gắn kết tình thân. Chính vì thế, những chiếc bánh chưng, bánh tét "nhà làm" luôn nồng đượm hương vị của tình thân.
Giữ cho bếp luôn ấm
Cuộc sống ngày càng hiện đại, vô cùng dễ dàng để mua những chiếc bánh gói bán sẵn. Trong khi đó, với các gia đình, việc chuẩn bị và thực hiện gói, nấu vất vả hơn do không quen tay như các lò chuyên nấu bánh bán quanh năm suốt tháng. Đó là phải gói làm sao cho chắc tay, đều, đặc biệt ở phần đầu bánh. Khi nấu bánh, cũng cần chú ý đến thời gian nấu: Nếu nấu lâu quá, bánh sẽ nhão, dễ bị chua và không lên màu đẹp; nếu nấu chưa tới thì bánh sẽ cứng, mau "lại gạo". Trong lúc nấu mà không biết cách chêm nước, canh lửa thì bánh chín không đều, không ngon. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, không chỉ đảm bảo yêu cầu về chất lượng của những mẻ bánh, sự kỳ công ấy sẽ được đền đáp xứng đáng bằng những giá trị mà nó mang lại.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), trải lòng: “Việc nấu bánh của gia đình tôi được đặt nền móng từ thời bà cố. Không chỉ bánh chưng, bánh tét, chúng tôi còn làm các loại bánh khác. Dần dà thành quen, phải gói bánh thì mới là Tết, có vất vả thì mới đáng quý. Chẳng gì bằng sự đoàn viên, sum vầy bên bếp lửa hồng và những mẻ bánh thơm lừng do chính tay mình làm ra”.
Đồng quan điểm, chị Xuân Dung chia sẻ: “Có tự làm một nồi bánh chưng thì mới thấy được tình cảm gia đình đong đầy, ấm cúng vào dịp Tết. Nhiều người trẻ cứ bảo Tết buồn chán, chẳng có gì để làm, đó vì họ chưa từng trải qua những hoạt động cùng gia đình, mà gói bánh chưng là một ví dụ. Cứ thử làm một mẻ bánh chưng “homemade”, sẽ thấy Tết thật thú vị biết bao, hơn nữa, nó còn khiến sự mệt mỏi, căng thẳng trong công việc, cuộc sống thường ngày bay biến hết”.
Có thể thấy, ở các gia đình vẫn giữ được một số thói quen truyền thống ngày tết, như làm bánh tết, đều có điểm chung là thế hệ con cháu ý thức rất rõ về giá trị truyền thống. Điều này càng ý nghĩa hơn khi cuộc sống chúng ta đang ngày càng hiện đại, và chỉ cần một cú nhấp chuột đã mua được mọi thứ.
LINH DƯƠNG