Cúng mở biển đầu năm mới: Ngư dân cầu mong những điều tốt đẹp
Nhiều người làm nghề biển rất xem trọng chuyện tâm linh. Vì vậy, trong hành trình của mỗi chuyến biển, trước khi vươn khơi, ngư dân sẽ sắm sửa lễ vật để cúng thủy thần, cúng cá Ông (thần Nam Hải), cúng tàu, cúng bến để nguyện cầu thuận buồm xuôi gió, được nhiều “lộc biển” trong chuyến vươn khơi, đặc biệt là chuyến biển đầu năm mới.
Nhiều tàu cá của ngư dân Quy Nhơn cúng xuất hành đầu năm vào mùng 4 Tết Tân Sửu.
Tại Cảng cá Quy Nhơn, sáng mùng 4 Tết Tân Sửu, nhiều tàu cá của ngư dân TP Quy Nhơn đồng loạt làm lễ xuất hành và cúng mở cửa biển. Ngư dân Lê Văn Cu, ở phường Đống Đa, chủ 2 tàu lưới đánh bắt xa bờ, chia sẻ: “Mùng 4 Tết năm nay là ngày tốt để xuất hành mở biển đầu năm nên nhiều chủ tàu đồng loạt cúng mở biển. Sau khi cúng xong, 2 tàu cá của tôi nhổ neo chạy ra cửa biển, thả ít lưới xuống biển để lấy ngày, rồi chạy về chờ đến ngày mùng 9 tới sẽ bốc tổn vươn khơi đầu năm”.
Với ngư dân làm nghề khai thác vùng ven bờ, vùng lộng đã cúng mở biển ngay từ ngày mùng 1 Tết. Ngư dân Phạm Văn Sông, ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), chủ một tàu mành rút trủ, cho biết: “Dù có đi biển hay đậu bến thì ngày mùng 1 Tết là ngày đầu năm mới, tôi sắm sửa lễ vật ra ghe để cúng biển. Ngoài nhang đèn, hoa quả, còn có bánh mứt các loại để mời thủy thần thụ hưởng lễ vật”.
Chuyến biển đầu năm được xem là chuyến biển quan trọng của ngư dân, với hy vọng việc ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được mùa bội thu trong cả năm, nên việc cúng kính được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngư dân Trương Thành Hải, ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), chủ tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 95489-TS, bộc bạch: “Nghề biển phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và mùa vụ đánh bắt, vì vậy ngư dân rất xem trọng tín ngưỡng tâm linh. Mỗi khi tàu xuất bến đi biển, chúng tôi sẽ cúng biển để xuất bến. Riêng chuyến biển đầu năm, ngoài việc cúng mở biển, còn có cúng giao thừa trên biển. Đồ cúng phải đủ hương, đèn, trà, rượu, trái cây, hoa quả, thịt, bánh. Trong lễ cúng mở biển đầu năm, chúng tôi cầu mong các chuyến biển trong năm mới gặp sóng êm gió lặng, trúng nhiều mẻ cá, anh em bạn tàu đều sức khỏe, bình an”.
Ngư dân Hoài Nhơn sửa soạn hương, hoa, quả phẩm để cúng tàu, cúng mở biển trong chuyến vươn khơi đầu năm mới.
Theo nhiều ngư dân, trước ngày tàu xuất bến, chủ tàu thường làm lễ cúng bến, cúng thuyền, cúng mở biển - đây là tín ngưỡng dân gian được lưu giữ từ bao đời nay, thể hiện tấm lòng thành kính của ngư dân đối với thần Phật, cầu mong sự bình yên trong những chuyến ra khơi, biển được mùa tôm cá. Tùy phong tục của từng vùng biển trong tỉnh mà ngư dân cúng mở cửa biển vào các ngày khác nhau, nhưng tựu chung thì nghi thức cúng mở biển đầu năm được thực hiện ngay trên tàu.
Ngư dân Lê Văn Cu, cho biết thêm: “Mùng 1 Tết thường thì các tàu đánh bắt xa bờ sẽ sửa soạn hương, hoa, trái cây để xuống bến cảng cúng bến; còn việc cúng xuất hành sẽ tùy theo ngày nào tốt trong năm. Đến ngày tàu vươn khơi mở biển đầu năm, khi chạy đến ngư trường, tàu sẽ thả neo dù, mâm cỗ được bày ra trên mũi tàu, thuyền trưởng sẽ cúng biển để cầu mong một năm mới may mắn, bình an. Năm nay mùng 9 tháng Giêng là ngày tốt, nên mùng 4 Tết tàu tôi cúng xuất hành rồi về neo bến, chờ đến mùng 9 mới vươn khơi mở biển đầu năm”.
Ngoài việc cúng thuyền, cúng xuất bến, cúng biển, ngư dân còn cúng tại các đình, chùa, nhất là cúng tại Lăng Ông Nam Hải ở địa phương. Ngư dân Phạm Văn Sông, cho biết: “Trước khi ra ghe để cúng biển, trong ngày đầu năm, tôi đến thắp hương cúng tại miếu Bà (thờ thủy thần), chùa và Lăng Ông (thờ cá Voi - thần Nam Hải) để khấn xin thần Phật phù hộ, độ trì một năm làm ăn gặp nhiều may mắn…”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN