Chuyện ghi ở xã anh hùng Phước Hưng
Cuối năm 2020 - 17 năm sau khi đạt danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Bên cạnh những con số ấn tượng của nhiều năm phấn đấu là những câu chuyện về một Phước Hưng đoàn kết, sáng tạo.
Đường rộng, thắm sắc hoa
Nếu hỏi đâu là sự khác biệt dễ nhìn thấy ở xã “hai lần anh hùng” với các xã lân cận, người dân địa phương sẽ chỉ ngay vào trục đường chính của xã rộng 8 m nối từ thôn Quảng Nghiệp qua An Cửu, về Tân Hội, Háo Lễ, Nho Lâm... “Để có được tuyến đường ấy, xã đã vận động nhân dân dời rào, hiến đất ở và đất lúa. Bằng ngân sách địa phương và sự đóng góp của nhân dân, xã Phước Hưng đã hoàn tất thảm nhựa trục đường chính, tiến tới thảm nhựa một số tuyến đường xóm. Điều đáng tự hào là để mở rộng đường, từ đầu xã đến cuối xã, không phải đền bù bất kỳ trường hợp nào”, bà Phạm Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, chia sẻ.
Phước Hưng ngày càng có nhiều đường hoa tươi thắm do các hội, đoàn thể và người dân trồng. Ảnh: THẢO KHUY
Con đường 8 m không chỉ thông thoáng, giao thông thuận tiện mà ngày càng nên thơ, sinh động khi được điểm tô bằng hoa, cây xanh. Mô hình “Con đường hoa” đang từng bước hình thành khi đoạn qua thôn Quảng Nghiệp có tuyến đường hoa sữa. Đoạn đường từ thôn An Cửu đi thôn Biểu Chánh đã xây dựng bồn hoa và trồng cây osaka. Một, hai năm nữa thôi, Phước Hưng sẽ có một con đường được nhuộm vàng bởi hoa osaka.
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã làm nên những dải hoa ven đường nhiều màu sắc. Đặc biệt, người dân cũng tích cực phát quang, dọn dẹp dải đất trước nhà, trồng rau, trồng hoa, cây xanh. Đoạn qua các thôn Tân Hội, Háo Lễ, nhiều hộ dân bắt giàn cho hoa giấy leo, xếp ghế đá dưới tán cây xanh đối diện nhà để mỗi chiều có thể ngồi nghỉ ngơi, hàn huyên đôi ba câu chuyện, tạo nên không gian an bình, đáng sống.
Nhằm tăng độ an toàn, vẻ đẹp về đêm cho những tuyến đường, Phước Hưng có kế hoạch lắp đặt điện đường. Trục đường chính của xã đã phủ kín điện đường. Các xóm nhỏ của các thôn cũng được triển khai. Trong đó, thôn Lương Lộc đã phủ điện đường ở 100% xóm. Bằng hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, tổng kinh phí cho hoạt động thắp sáng đường quê gần 1 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 300 triệu đồng.
Xây dựng làng quê sạch đẹp
4 năm nay, cứ 2 lần mỗi tuần, chị Bạch Thị Sô Đa (ở thôn Háo Lễ) lại đẩy xe thu gom rác từ các nhà trong xóm nhỏ về điểm tập trung rác tại trục đường chính của xã để xe thu gom rác thuận tiện chở về nơi xử lý. Tháng cuối năm 2020, gió rét, mưa dầm cứ đan xen nhau, chị Sô Đa và những người nhận nhiệm vụ tập trung rác thải khác của xã vẫn cần mẫn, khẩn trương.
Trung tâm xã Phước Hưng. Ảnh: BÁ TRÍ
Nói về công việc của mình, chị Sô Đa không giấu nét tự hào: “6 năm trước, khi xã triển khai việc thu gom rác để xử lý tập trung, tôi là một trong những người đầu tiên nhận nhiệm vụ. Sau 6 năm, một số người ở các thôn khác đã không còn làm nữa, các thôn phải tìm người mới, tôi vẫn bám trụ. Vừa thu gom rác, vừa thu tiền rác, tôi được hỗ trợ 1,4 triệu đồng/tháng. Tháng Chạp trở đi, công việc vất vả hơn nữa, số lượng rác tăng lên gấp đôi, mình cũng phải khẩn trương để kịp cho xe thu gom đưa đi”.
Mô hình thu gom rác thải sinh hoạt do UBND xã Phước Hưng triển khai, dưới sự chung tay của những người làm nhiệm vụ tập trung rác như chị Sô Đa và được nhân dân đồng tình ủng hộ đã giảm thiểu rác thải tại khu vực nông thôn.
Năm 2020, công tác này tại xã Phước Hưng tiến thêm một bước khi ra đời mô hình vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Phước Hưng là xã đi đầu của huyện Tuy Phước về triển khai và nhân rộng mô hình này. Có 410 hộ dân đã đăng ký tham gia. Toàn bộ rác thải hữu cơ từ phân loại tại nhà của người dân được Công ty TNHH Gia vị nhiệt đới (thôn Háo Lễ) tiếp nhận để sản xuất phân bón hữu cơ.
Hơn nửa năm thực hiện phân loại rác, bà Võ Thị Thu Cúc (52 tuổi, ở thôn Háo Lễ) đã “quen tay” dù lúc đầu chính bà cũng cảm thấy nó phiền hà, mắc công. Bà kể: “Nhà có 3 thùng rác, một thùng đựng rác hữu cơ, một thùng đựng những loại có thể tái chế và một thùng đựng rác vô cơ. Riêng rác hữu cơ, nhà tôi cũng tận dụng gốc rau, đầu cá, tôm… để nấu cháo cho heo. Thực hiện phân loại rác tại nhà, tôi cũng ý thức hơn về việc giảm thiểu túi ny lông”.
Mỗi tháng, Hội LHPN xã gom số chai nhựa, vỏ lon được tích góp từ các gia đình để bán phế liệu gây quỹ tặng thẻ BHYT cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2020, có 9 thẻ BHYT đã được trao đến tay những hộ yếu thế. Hoạt động phân loại rác vì thế càng tăng thêm ý nghĩa, giá trị nhân văn.
“Gạo quê Phước Hưng”
Phước Hưng là vựa lúa lớn của huyện Tuy Phước. Đến cuối năm 2019, năng suất lúa của xã đạt 75 tạ/ha, vượt năng suất lúa bình quân của huyện Tuy Phước 4,9 tạ/ha; năm 2020 tiếp tục giữ vững mức năng suất này. Xã đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn ở 7 thôn trong xã với hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cung cấp lúa giống BC15 cho Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình.
Sau khi sản phẩm Dưa lê của Công ty TNHH Gia vị nhiệt đới được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp hạng 3 sao, Đảng ủy, UBND xã Phước Hưng đã chỉ đạo HTX Nông nghiệp Phước Hưng đăng ký sản phẩm Gạo quê Phước Hưng tham gia chương trình OCOP. Phước Hưng đang dồn lực để từng bước đưa sản phẩm gạo mang tên quê hương ra thị trường.
Năm 2020, xã bố trí, cho HTX thuê 4,1 ha đất công ích làm vùng nguyên liệu sản xuất lúa thương phẩm phục vụ sản phẩm Gạo quê Phước Hưng. Vụ mùa Đông Xuân đã xuống giống mới. HTX cũng đã được xã tạo điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ cho việc sản xuất gạo như nhà kho, xưởng máy gạo, lắp đặt dây chuyền, nhà máy sấy lúa... HTX đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà xưởng; đã tìm kiếm các giống lúa mới chất lượng, đồng thời tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
AN PHƯƠNG