Nghĩ về Sách Tết Xứ Nẫu
Sau 60 năm gián đoạn, cách đây 3 năm, Sách Tết Kỷ Hợi 2019 - hợp tuyển thơ, văn, nhạc, họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết - do NXB Văn học phối hợp cùng Công ty sách Ðông A thực hiện - đã trở lại. Và sách Tết trở thành ấn phẩm được chờ mong mỗi dịp xuân mới. Nỗi chờ mong khiến tôi liên tưởng về một bộ Sách Tết Xứ Nẫu.
1. Thực ra, sách Tết đã có cách đây hơn 90 năm. Sách xem Tết năm Mậu Thìn 1928 của Tân dân Thư quán đã tiên phong cho thể loại sách Tết trong lịch sử xuất bản nước ta. Tuy nhiên, sau năm 1958, sách Tết vắng bóng không có lý do rõ ràng. Sự trở lại của sách Tết 3 năm gần đây khiến những người yêu sách và hâm mộ những tên tuổi góp mặt trong sách thích thú.
Năm nay, giữa những ngày cả nước “ai ở đâu cố gắng ăn tết ở đó” để góp phần phòng, chống dịch Covid-19, việc dành thời gian cho một ấn phẩm như sách Tết bất ngờ tỏ ra hợp lý. Hành lý mang theo khi về quê ăn tết những ngày này, tôi không quên sách Tết và những ấn bản xuân, đặc san của quê hương Bình Định.
Sách Tết - hợp tuyển thơ, văn, nhạc, họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết - trở thành ấn phẩm được chờ mong mỗi dịp xuân mới.
Qua lăng kính từ gia đình và trò chuyện cùng nhiều người khác từng đọc 3 ấn phẩm gần đây nhất của sách Tết, có thể thấy cuốn sách có sức hút với nhiều đối tượng bạn đọc. Người đọc tìm thấy trong sách Tết nỗi nhớ nhung những ngày tết xưa cũ ở miền quê nghèo trong Tết xưa, thú vị với phong vị vùng miền Tết của từng địa phương, những trang văn, thơ, những ca từ về mùa xuân.
Tôi thấy lòng mình được nhen lên một niềm vui giản dị khi đọc Mùa lá non của nhà thơ Lâm Huy Nhuận, một người Bình Định xa quê trong Sách Tết Tân Sửu 2021: “Tôi ghen với đời cây/ Tuổi già trong thớ gỗ/ Lá nhú màu thơ ngây/ Cái thơ ngây rực rỡ// Mỗi gốc cây tôi qua/ Cặp lá nhìn rất khẽ/ Xanh như hơi thở nhẹ/ Làm sao cầm lên tay// Mỗi cảm nhận từ đây/ Dĩ vãng và hiện tại/ Rễ âm thầm tích lại/ Quà xanh dâng mỗi ngày”.
2. Những trang văn, những bài thơ và cả những minh họa trong sách Tết, khiến tôi lục tìm và đặt những ấn phẩm xuân của xứ Nẫu mấy năm gần đây để so sánh với sách Tết, rồi bật lên suy nghĩ: Sao chúng ta không làm Sách Tết Xứ Nẫu nhỉ?
Mấy năm gần đây, Báo Bình Định, Hội VHNT tỉnh và cả Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh… đã làm được nhiều ấn phẩm dày dặn thể hiện độ chuyên nghiệp về trình bày cũng như việc thực hiện nội dung, tập hợp nhiều cây bút trong và ngoài tỉnh tham gia.
Lấy ví dụ là tạp chí xuân Văn nghệ Bình Định số xuân Tân Sửu 2021. Như một cái nếp nhiều năm qua, tạp chí tập hợp nhiều bài viết, tác phẩm đặc sắc thơ, văn, nhạc, họa, ảnh, với sự góp mặt của nhiều cây bút được bạn đọc mến mộ. Xin được nói thêm, những ấn bản chuyên ngành về văn hóa dân gian, nghệ sĩ nghệ nhân, văn xuôi Bình Định, tuyển thơ trẻ Bình Định, nhiếp ảnh, mỹ thuật… do Hội VHNT thực hiện, cũng bộc lộ sự sung túc của hàm lượng thông tin, kiến thức, văn hóa địa phương.
Đặc biệt là Báo Bình Định Xuân, nhiều năm qua đây là ấn phẩm đậm đặc tính địa phương trong từng trang viết. Đó là thông tin hữu ích được trình bày mềm mại, sinh động, trải rộng từ ẩm thực ở mọi vùng miền trong tỉnh, đến những chân dung nhân vật góp phần làm nên niềm tự hào xứ Nẫu. Tôi tìm thấy ở đây những con người đang sống, từng gắn bó gan ruột với Bình Định trải lòng mình với xứ Nẫu, như nhà thơ Thanh Thảo, Từ Quốc Hoài, Nguyễn Thái Dương, nhà báo Phạm Đương, Thúc Giáp hay nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Đăng Vũ…
Hoặc như, ngay sáng mùng 3 Tết, trong khi chờ trà đượm, bạn tôi tấm tắc khen đặc san Người Bình Định. Anh khen từ đầu đến đuôi bởi dấu ấn quê hương đậm đà trong đó, từ hát tuồng, bài chòi đến đường quyền, dáng mai; nết đất hồn người hiển hiện trên từng trang; cứ như một cuốn cẩm nang nhỏ về Bình Định. Anh chỉ chê mỗi một điểm - không có chuyện Bình Định chống dịch Covid-19 thành công. Chỉ đến khi thấy tôi tủm tỉm cười, anh mới lần hồi săm soi lại và à lên vui vẻ vì đây là ấn phẩm chào Xuân Canh Tý 2020.
3. Nói như vậy để thấy… tiếc, những ấn bản kể trên chỉ cần nâng thêm một cấp nữa, chăm chút thêm một chút nữa thì hoàn toàn có thể gọi đó là Sách Tết Bình Định, Sách Tết Xứ Nẫu. Hoặc ở một góc nhìn khác, có thể khẳng định rằng các văn nghệ sĩ, nhà báo Bình Định đủ trình để thực hiện những ấn phẩm thú vị, đủ đầy, đậm đà - đủ sang trọng để xứng với hai chữ “Sách Tết” - trao gửi đến bạn đọc.
Sách Tết của người Bình Định, mỗi năm chỉ một, trong vài trăm trang sách, theo tôi nghĩ, đó không phải là thứ mơ tưởng xa vời nào cả, nó nằm trong khả năng thực hiện, tập hợp của các đơn vị báo chí, quản lý xuất bản của Bình Định. Ta có một lực lượng hùng hậu người viết, người sáng tác đa mảng thơ, nhạc, họa; có bề dày trầm tích văn hóa, ngồn ngộn những ấn tích thời gian; có những kinh nghiệm nhất định trong thực hiện các ấn bản xuân qua công tác báo chí, xuất bản của nhiều đơn vị trong tỉnh…
Nếu Bình Định có Sách Tết Xứ Nẫu, hẳn ở đó sẽ có nhiều điều lý thú. Sách sẽ là một giai phẩm, là món quà xuân không chỉ dành cho người Bình Định mà chắc chắn sẽ phủ sóng rộng hơn rất nhiều!
NGÔ PHONG