Những tháng ngày không quên trước cuộc tấn công biên giới tháng 2.1979
Với những bài học đau thương đã từng xảy ra trong lịch sử, chỉ mong ước sao hòa bình sẽ mãi luôn ngự trị giữa hai dân tộc láng giềng.
Chẳng ai có thể dùng sức mạnh để phủ máu lên nền độc lập ngàn đời của một dân tộc khác. Hà Nội năm 1978, một mùa hè bức bối, căng thẳng cả về thời tiết lẫn các biến động xã hội. Những rình rập thiên tai lẫn không khí chiến tranh như đang lẩn quất đâu đây.
Nước sông Hồng lên mức kỷ lục, chỉ kém mức lũ lịch sử năm 1971. Đê Hoàng Long vỡ, gây lụt nặng cho tỉnh Hà Nam Ninh (Hà Nam - Ninh Bình - Nam Định). Chúng tôi, những thanh niên Hà Nội vừa trải qua kỳ thi phổ thông trung học, theo thông báo của Đoàn trường, đã sẵn sàng chuẩn bị xuống xã chống lụt.
Chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra vào ngày 17.2.1979.
Đài phát thanh đưa tin chính quyền Pol Pot - Ieng Sary liên tục đưa quân lấn chiếm trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Lại như đang có một làn sóng tin ngầm kêu gọi người Hoa về nước lan truyền trên vỉa hè hàng phố. Những gia đình Hoa kiều ở phố Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến… lục tục ra đi. Không bao lâu sau, đài phát thanh Bắc Kinh công khai liên tiếp phát thanh lời kêu gọi người Hoa tại Việt Nam trở về cố quốc.
Trường PT cấp III Trung học Trung Hoa trên phố Phó Đức Chính, nơi em gái tôi đang theo học, có hai lớp A và B dành cho các bạn học sinh Hoa kiều. Lớp trống vắng dần. Những người bạn học thân thiết bỏ lớp ra đi theo gia đình. Cô giáo Khanh người Hoa dạy toán rất hay, một buổi đến lớp bỗng bật khóc sụt sùi. Mắt cô đẫm lệ khi nói lời chia tay cuối cùng với các học trò Việt Nam cô đang dạy dỗ.
Không khí ngày càng trở nên bức bối đến sôi sục. Bác Minh gọi bà ngoại tôi bằng cô ruột, lấy chồng người Hoa ở ngõ Phất Lộc, đột ngột đến nhà buổi giữa trưa. Bác ngồi xuống bên bà tôi, lặng lẽ trên tấm phản, chào từ biệt. Cả hai người trong gian nhà tối, nhìn dõi ra nắng thu ngoài phố, dấm dứt khóc.
Bác rể tôi người Hoa đã mất, nhưng bác gái cùng các anh chị tôi vẫn ra đi. Thuyền theo lái, gái theo chồng. Nay chồng mất, bác phải theo con trai như phong tục. Không thể tưởng tượng được, bây giờ bác và anh chị em tôi lại ở hai đất nước. Tôi đưa mẹ tôi đến ngõ Phất Lộc chào bác.
Vật đổi sao dời trong chớp mắt. Ba năm trước thôi, chẳng ai hình dung nổi sự thật cay đắng này. Bác thận trọng gỡ ảnh chồng trên bàn thờ, lau bụi, gói ghém kỹ trong bọc hành lý. Có những cuộc di cư của người đang sống, lại cũng có những cuộc di cư phần hồn của người đã khuất.
Cây đàn tranh của chị Hà vẫn treo trên góc tường. Mấy năm trước tôi học vẽ, còn chị học đàn tranh ở câu lạc bộ văn hóa Hàng Buồm. Cây đàn chẳng mang đi được, nhưng vẫn đang rụng từng nốt trong lòng khúc hát chia ly. Chị em chúng tôi từng cùng học trường Phúc Xá, nơi mẹ tôi dạy. Nay thời thế đổi thay, những người ruột thịt bỗng dưng trở thành người của hai nước bất hòa.
Ngày đó, tôi đã đọc Tam Quốc, Thủy Hử…Yêu mến cảm phục uy dũng Quan Vũ, Triệu Tử Long, Lâm Xung, Võ Tòng… Mê mẩn với những bức tranh quốc họa tinh tế mềm mại đến từng nét dải áo bay, từng ngọn thu phong thổi lạnh bờ lau sông Trường Giang trong truyện. Nhưng đến tháng Tám, một tin dữ truyền đi trên đài phát thanh: Lính biên phòng Trung Quốc giả dạng dân thường, dùng xà beng dao quắm tấn công công an biên phòng Việt Nam tay không bảo vệ dân thường. Và người anh hùng đầu tiên, bằng tuổi tôi, đã ngã xuống trên dải biên cương: Anh hùng Liệt sỹ Lê Đình Chinh. Cảm thức đẹp cuối cùng thời niên thiếu về đất nước Trung Hoa trong tôi từ đó không còn được như trước.
Nhớ lại thời gian trước mùa hè đầy xáo động này một năm, lứa học trò chúng tôi lúc đó đã lên lớp 9, rủ nhau đi tàu hỏa lên Lạng Sơn chơi sau khi học bài ca dao “Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa”.
Thị xã miền biên viễn đầy sương. Những mái nhà ngói âm dương thâm thấp bên những rặng đào đỏ thắm giữa mùa xuân, mơ màng như cổ tích. Chúng tôi đi đến tận cùng ga cuối Đồng Đăng. Các tên phố lạ lùng mới nghe lần đầu: phố Tây cai, phố Dây thép… chợ biên cương mái tranh hiu hắt, nép mình dưới rặng núi đá vôi loang lổ rêu xanh cổ kính, như miền xa lắc xa lơ nào trong Thủy Hử. Bên kia rặng núi răng cưa là đất nước Trung Quốc, vừa gần gũi vừa bí hiểm. Một vài bạn vào chợ, mua những lọ nước hoa xanh thơm thơm, những chiếc khăn in hoa xinh đẹp.
Nào có ai ngờ chưa được một năm sau, các họng đại bác từ bên kia trái núi gào thét khai hỏa, cùng các đoàn xe tăng thọc sang, cày nát cái thị trấn bé nhỏ yên bình này. Sự trở mặt nhanh đến không thể tưởng tượng được.
Mùa hè năm 1978 đó, chúng tôi bỏ bút nghiên đăng lính, để chống lại những tham vọng bá quyền vô lối, để bảo vệ Tổ quốc đồng bào mình, sẵn sàng hy sinh để tiêu diệt bất kể kẻ xâm lăng nào, dù cường bạo hung hiểm đến đâu.
Hơn một chục năm chiến tranh đằng đẵng trôi qua giữa hai đầu Tổ quốc, thêm gấp mấy lần ngần ấy thời gian để cuộc sống trở lại yên bình. Anh học trò nhỏ xưa trở lại thị trấn Đồng Đăng, nay đã thành một chợ biên mậu đông vui giàu có.
Núi vẫn những ngọn núi rặng Hang Dơi đó, chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm biến cố. Pháo đài Đồng Đăng xưa cũng vẫn còn đó hiên ngang. Chỉ có người lính là đã già đi với biết bao những ký ức cay đắng xót xa tiềm ẩn trong lòng.
Thế giới loài người đã văn minh tiến bộ hơn. Văn hóa chính trị quốc gia, địa chính trị khu vực cũng đã tiến một bước dài. Với những bài học đau thương đã từng xảy ra trong lịch sử, chỉ mong ước sao hòa bình sẽ mãi luôn ngự trị giữa hai dân tộc láng giềng.
Chẳng ai có thể dùng sức mạnh để phủ máu lên nền độc lập ngàn đời của một dân tộc khác như trong tuyên ngôn đanh thép từ một câu thơ cổ:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Nhà văn Trung Sĩ
Theo vietnamnet.vn