Vận chuyển hành khách sau tết Nguyên đán Tân Sửu: Phương tiện nhiều, nhưng ít khách
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, các DN kinh doanh vận tải hành khách đã chủ động phương tiện, tăng chuyến, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, song lượng hành khách không nhiều. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải, phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được các đơn vị duy trì ở mức cao nhất.
Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, người dân trong tỉnh lại vào Nam, ra Bắc để tiếp tục lao động, học tập và làm việc, nên nhu cầu về phương tiện vận tải hành khách (VTHK) là rất lớn. Các DN kinh doanh VTHK tiếp tục duy trì các tuyến cố định đã đăng ký, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách. Tuy nhiên, lượng hành khách không nhiều, không ít phương tiện đến giờ xuất bến vẫn còn nhiều giường, ghế trống.
Lượng khách giảm mạnh
Chủ động đón khách sau tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Công ty TNHH Thương mại vận tải Trường Thịnh sử dụng 17 xe giường nằm chất lượng cao khai thác các tuyến cố định: Quy Nhơn - Huế, Quy Nhơn - Vinh, Quy Nhơn - Hà Nội, Quy Nhơn - Cần Thơ và ngược lại, song lượng khách đặt vé không như mong đợi. Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Giám đốc công ty, cho hay: Lo ngại dịch Covid-19, nên người dân ở xa về Bình Định vui xuân đón Tết không nhiều, lượng khách đi cũng giảm mạnh. Thường thì mùng 4 và 5 tháng Giêng là cao điểm vận chuyển hành khách, nhưng kỳ này lượng khách đặt vé từ Quy Nhơn đến các địa phương trong nước giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyến xe không đủ khách nhưng chúng tôi vẫn phải xuất bến.
Dù đang kỳ cao điểm, nhưng Bến xe trung tâm Quy Nhơn khá vắng khách.
Nhiều ngày qua, 6 đầu xe giường nằm chất lượng cao chạy tuyến cố định Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh và ngược lại của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hoàng Dũng cũng không đầy khách. Ông Phạm Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: “Một mặt phương tiện tham gia VTHK ngày càng nhiều, mặt khác người dân hạn chế đi lại vì lo ngại dịch bệnh Covid-19. Trên tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh, lượng khách giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện các nhà xe đều tính toán giảm mức phụ thu để thu hút hành khách”.
Với ngành Đường sắt, sau tết Nguyên đán, lượng hành khách trả vé ngày càng nhiều trong khi người đặt mua vé mới không bù đủ, buộc ngành phải thay đổi kế hoạch VTHK. Hiện ngành Đường sắt đã tạm dừng hoạt động các đôi tàu tăng cường như: SE29, SE30, SE19, SE20, SE23 tuyến Hà Nội - Sài Gòn; SE13, SE14, SE15, SE16 tuyến Sài Gòn - Vinh; SE27, SE28 tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng; SD1- SD2 tuyến Sài Gòn - Diêu Trì và ngược lại.
Tất cả hành khách đến và đi từ ga Diêu Trì đều khai báo y tế và đo thân nhiệt.
“Những hành khách đã mua vé đi các đôi tàu tạm dừng hoạt động sẽ được chuyển sang đi tàu khác. Hành khách có thể bảo lưu vé đã mua và cho người thân sử dụng vé đi tàu các hành trình khác trong năm 2021, không trừ phí. Nếu vì nguyên nhân chủ quan mà trả vé, ngành Đường sắt trừ lệ phí 30% giá vé đã mua và sau 90 ngày sẽ hoàn tiền cho khách hàng”, ông Nguyễn Phúc Tích, Đội trưởng khách hóa vận Trung tâm kinh doanh vận tải đường sắt Diêu Trì (ga Diêu Trì), cho biết.
Không chủ quan với dịch bệnh Covid-19
Ghi nhận của phóng viên trong 2 ngày 15 và 16.2, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động VTHK ra vào tỉnh đang được ngành chức năng thực hiện chặt chẽ; các chốt kiểm tra y tế tiếp tục duy trì ở mức cao nhất.
Tại ga Diêu Trì, hằng ngày, khu vực bán vé, phòng khách chờ tàu được phun thuốc khử độc, sát trùng. Hành khách đến và đi từ ga Diêu Trì đều tuân thủ khá nghiêm quy định của ngành Y tế. Theo ông Mai Văn Thắng, Trưởng Ga Diêu Trì, chốt kiểm tra y tế tại Ga Diêu Trì luôn đảm bảo quân số túc trực 24/24 giờ. Tất cả các nhân viên nhà ga, hành khách đều mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế và đo thân nhiệt. Phòng khám, phòng cách ly trong khu vực nhà ga đảm bảo quy trình phòng, chống dịch.
Bến xe trung tâm Quy Nhơn cũng đảm bảo an toàn trật tự và duy trì công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Công ty CP Bến xe Bình Định, cho hay: Công ty đã bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ tại Bến xe trung tâm Quy Nhơn và bến xe Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh VTHK của các DN. Tại các bến xe, chúng tôi yêu cầu tất cả các nhân viên của nhà xe và hành khách ra vào bến đều phải vào chốt kiểm tra y tế đã được thiết lập để cung cấp thông tin về hành trình di chuyển, đo thân nhiệt.
Ngành GTVT tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh VTHK tại các bến xe, nhà ga, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn và tránh để xảy ra các hiện tượng tiêu cực của các nhà xe. “Chúng tôi yêu cầu các xe chuẩn bị xuất bến phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, các tài xế phải có giấy phép lái xe, không sử dụng rượu bia. Bên cạnh đó, bố trí lực lượng tuần tra, ứng trực tại các tuyến giao thông trọng điểm, kiên quyết xử lý tình trạng bến cóc, xe dù”, ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT, cho biết.
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ