Nâng cao năng suất cây dừa lấy dầu
Thay vì trồng quảng canh, một số hộ nông dân trong tỉnh áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc cây dừa lấy dầu (dừa ta) của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, giúp tăng rõ rệt năng suất cây trồng.
Người dân đào rãnh xung quanh gốc dừa để bón phân, giúp đất tươi xốp và cây hút được nhiều chất dinh dưỡng.
Bình Định có điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi để phát triển cây dừa. Toàn tỉnh hiện có 9.333 ha dừa lấy dầu, với sản lượng thu hoạch khoảng 101.500 tấn cơm dừa. Thực tế, dừa từng là cây trồng đem lại thu nhập chính cho người nông dân. Tuy nhiên, tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất dừa chỉ đạt từ 20 - 30 quả/cây/năm.
“Sau thời gian áp dụng quy trình thử nghiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng trên quy mô 2 ha, với khoảng 400 cây dừa lấy dầu. Chúng tôi cũng hướng tới việc phát triển vùng dừa nguyên liệu năng suất cao, tập trung nghiên cứu kỹ thuật chế biến sâu các sản phẩm từ dừa để mang giá trị cao hơn và sản phẩm mang tính chất đặc trưng của Bình Ðịnh”.
TS HỒ HUY CƯỜNG, Viện trưởng ASISOV
Nghiên cứu khoa học của Th.S Nguyễn Tấn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây lâu năm (thuộc Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ - ASISOV), được tiến hành trong 3 năm qua, với mục tiêu hoàn thiện quy trình kỹ thuật bổ sung dinh dưỡng khoáng chất và quy trình canh tác cây dừa lấy dầu phù hợp điều kiện thổ nhưỡng tại Bình Định. Với nghiên cứu này, đã giúp cây dừa lấy dầu tăng 20% năng suất, 10% hiệu quả sản xuất và 5% hàm lượng dầu so với phương thức canh tác bình thường.
Trồng 0,3 ha với gần 60 gốc dừa lấy dầu từ 20 - 40 năm tuổi, ông Phan Quốc Hồng (xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ) chia sẻ: “Vẫn những gốc dừa đó, trước đây, mỗi năm tôi thu hoạch 5 - 6 buồng quả/cây, 6 quả/buồng. Nhưng từ khi áp dụng quy trình canh tác của ASISOV, thu hoạch tăng lên 7 - 8 buồng quả/cây, 8,2 quả/buồng, lợi nhuận tăng 31%”.
Quy trình chăm sóc cây dừa lấy dầu bao gồm bón phân, tưới nước, sử dụng chế phẩm sinh học theo công thức. Theo quy trình này, người dân sử dụng các kỹ thuật chăm sóc như: Bón phân hoại mục với liều lượng 50 kg/cây, tưới 4,8 kg phân NPK/cây/năm; đào rãnh xung quanh gốc để rải phân và bơm nước tưới mỗi ngày; sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ bọ dừa, bệnh đốm lá, thối ngọn...
Tại TX Hoài Nhơn, thủ phủ dừa của Bình Định, lâu nay người dân trồng dừa chủ yếu để phát triển tự nhiên. Nay, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên năng suất tăng rõ rệt, lợi nhuận từ dừa cũng tăng đáng kể. Áp dụng quy trình này, với 60 gốc dừa lấy dầu mang về thu nhập 800 nghìn đồng/cây/năm cho ông Nguyễn Văn Ngàn, Trưởng thôn An Quý Bắc (xã Hoài Châu, TX Hoài Nhơn). “Dừa lấy dầu hiện có giá cao từ 7.000 - 10.000 đồng/trái. Trồng giống dừa này có thể bán được tất cả các bộ phận từ cơm dừa, cùi dừa đến cành dừa, lá dừa, xơ dừa và mùn dừa, hiệu quả kinh tế mang lại cao. Nhiều người đã tìm đến tôi học hỏi và làm theo. Hy vọng từ đây có thể mở ra hướng phát triển mới cho cây dừa lấy dầu”, ông Ngàn nói.
“Từ những lợi ích đó, một số hộ dân đã tự giác chặt bỏ những cây dừa lớn tuổi, già cỗi để trồng lại cây dừa lấy dầu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật, giúp bà con nhân rộng mô hình trồng dừa theo quy trình canh tác của ASISOV”, ông Mai Văn Vinh, cán bộ UBND xã Hoài Châu, TX Hoài Nhơn, cho biết.
Nhu cầu về cây dừa lấy dầu trong tỉnh hiện nay rất lớn. Cơm dừa được nhiều cơ sở ép dầu trong tỉnh thu mua sản xuất dầu dừa tinh khiết, bánh tráng dừa; thương lái ngoài tỉnh cũng về tận các vườn dừa tại Bình Định để thu mua cơm dừa. Ngoài ra, hầu như bộ phận nào trên cây dừa đều có thể sử dụng để tạo ra các sản phẩm hữu ích như thủ công mỹ nghệ, than hoạt tính, đồ gia dụng... Ông Mai Văn Vinh cho hay, trước nhu cầu thu mua khá lớn, nhiều hộ gia đình ở địa phương tính toán chuyển sang đầu tư trồng cây dừa lấy dầu, thay cho cây dừa xiêm.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) cũng triển khai các mô hình trồng dừa, giúp người dân thấy rõ được lợi ích của việc chăm sóc cây dừa, giúp nâng cao năng suất và chất lượng. TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: “Bình Định được Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đánh giá là địa phương sở hữu nguồn dừa giống tốt, phù hợp để trồng lấy dầu. Thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và khuyến khích người dân chặt bỏ những vườn dừa già cỗi, thay bằng những vườn dừa mới với các giống dừa cho năng suất cao; đồng thời, hướng đến việc phát triển cây dừa sạch, an toàn và các sản phẩm chế biến sâu từ cây dừa”.
Bài, ảnh: HỒNG HÀ