Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam:
Vươn khơi với sức mạnh cộng đồng
40 năm trước, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm một cách bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong kế hoạch lâu dài chiếm trọn Biển Đông, từ việc gây sức ép, gây hấn, bắt bớ ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển của đất nước mình, dùng tàu ngư chính, hải giám có vũ trang liên tục tuần tiễu, bắt bớ... dường như giấc mộng "đường lưỡi bò” của họ đang trở thành hiện thực. Nhưng không! Ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi, vẫn đánh bắt hải sản trong vùng biển của đất nước mình, bất chấp sự đe dọa, khủng bố. Bởi sau lưng những người lao động chân chính ấy là Tổ quốc.
Ai từng đến càng Sa Kỳ, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đều thấy rõ những người ngư dân ở đây can trường đến mức nào. Họ là những người lao động chân chính, quanh năm bám biển, bất chấp thời tiết thất thường và nhất là sự đe dọa của "tàu lạ”. Những lần bị Trung Quốc bắt bớ, bị thu giữ ngư cụ một cách vô lý, họ vẫn không hề nao núng. Họ vẫn coi ngư trường Hoàng Sa- Trường Sa là của mình như bao đời nay tổ tiên, ông cha đã khai thác, gìn giữ.
Trên đảo Lý Sơn, thật kiêu hùng cụm tượng đài và nhà lưu niệm Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Công trình tượng đài được khánh thành năm 2010 cao hơn 4 mét, khắc họa 3 chân dung: Vị đứng chính giữa là cai đội với một tay chỉ thẳng về hướng Biển Đông, một tay đặt lên cột mốc chủ quyền khắc chữ Hán Nôm "Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên cai đội là hai dân binh, một người cầm giáo, một người vác lưới trên tay. Đó chính là những đại diện, là hình ảnh kiêu hùng của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Cũng cần nhắc lại, vào thế kỷ 17, chúa Nguyễn lập Đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo Hoàng Sa, lại lập Đội Bắc Hải, phụ trách các đảo xa ở phía nam quần đảo Hoàng Sa (nay là quần đảo Trường Sa). "Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn soạn năm 1776, có đoạn: "Trước họ Nguyễn đặt Đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về. Họ Nguyễn lại đặt Đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người ở xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, cùng do đội Hoàng Sa cai quản”. Do đó mà có tên "đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”. Phía sau tượng đài, nhà lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải với lối kiến trúc trang nghiêm như một đình làng. Bên trong nhà lưu niệm tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải với nhiều hiện vật.
Như vậy, công lao của tiền nhân, mồ hôi nước mắt và máu xương của những người giữ biển đảo quê hương không uổng phí, họ là những người anh hùng vô danh cho dù thân xác đã tan vào lòng biển khơi mênh mông nhưng luôn được người đời sau tưởng nhớ, kính phục.
Trên đảo Lý Sơn có những ngôi mộ gió, chiêu hồn người đã khuất khi đi biển, khi làm nhiệm vụ giữ biển, giữ đảo. Những ngôi mộ gió không lời nằm nghe gió hát và tiếng sóng biển ru. Tấm lòng người còn sống dành cho người đã khuất luôn đầy đặn, luôn kính cẩn, cho dù không bao giờ tìm thấy xác thân của người đã khuất nhưng họ vẫn được thờ tự trang nghiêm, linh hồn họ vẫn có chốn đi về, vẫn cùng người hôm nay giữ biển.
Truyền thống mà cũng là đạo lý của người Việt Nam luôn nhớ ơn tiền nhân, không làm điều gì để phải xấu hổ với tiền nhân. Với những người chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước; những người đổ xương máu cho từng mét đất chốn biên cương, giữ từng hòn đảo chìm đảo nổi- thì luôn được kính trọng nhất. Trên tinh thần ấy, với những người vươn khơi bám biển, giữ đảo hôm nay, đất liền luôn kính trọng. Tổ quốc luôn bên cạnh họ cho dù họ đang ở giữa biển khơi mênh mông chập chùng sóng gió, hay với cái chết cận kề.
Để bà con yên tâm, vững tin vươn khơi đánh bắt hải sản trên vùng biển của Tổ quốc, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng. Ví dụ như ở Đà Nẵng, cách đây chưa lâu Thành phố đã đầu tư hơn 75 tỷ đồng tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân cũng như triển khai hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Hiện Đà Nẵng đã có 206 tàu cá hơn 90CV, trong đó, có 55 chiếc tàu hơn 400CV. Từ nền tảng này, Đà Nẵng thành lập 94 tổ khai thác hải sản trên biển với 683 tàu thuyền tham gia. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh miền trung đang thực hiện Ðề án hỗ trợ, cải hoán tàu, thuyền đánh bắt xa bờ theo Quyết định 289/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân một cách thiết thực và hiệu quả, nhất là Quyết định 48/2010/QÐ-TTg của Chính phủ ban hành ngày 13.7.2010 về "một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa”. Ðây là chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS và hỗ trợ thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ. Quảng Ngãi là tỉnh đi đầu trong việc ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Tỉnh tập trung xây dựng những Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đủ mạnh để phục vụ trực tiếp cho đoàn tàu đánh bắt xa bờ. Quảng Ngãi được Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) hỗ trợ lắp đặt hoàn thành Trạm bờ máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS phục vụ tàu cá xa bờ. Ðây là những yếu tố thiết bị kỹ thuật chiến lược cần thiết, hỗ trợ đắc lực những con tàu thường xuyên neo đậu ở vùng biển đảo của Tổ quốc. Tàu đánh bắt xa bờ được gắn thiết bị định vị vệ tinh, bảo đảm chủ động truyền, thoại thông tin nhanh, chính xác khi gặp sự cố rủi ro cần hỗ trợ và các hoạt động khác trên biển với trạm bờ ở cự ly lớn hơn 500 hải lý. Hiện nay Quảng Ngãi đã gắn hệ thống thiết bị định vị vệ tinh GPS cho nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Ðây được coi là một trong những tiến bộ mới trong lĩnh vực hậu cần phục vụ tàu cá, bảo đảm khai thác hải sản có hiệu quả và hạn chế những rủi ro trên biển.
Vươn khơi với sức mạnh cộng đồng, đó không chỉ là khẩu hiệu mà là một thực tế, thực tế đã và đang tiếp tục được triển khai. Nhiều tổ chức xã hội đã ra đời, như Quỹ hỗ trợ ngư dân, Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, Nghiệp đoàn nghề cá... là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân miền Trung có điều kiện và niềm tin vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản. Những mô hình mới này là chủ trương đúng đắn, bởi đây là tổ chức đại diện cho bà con ngư dân với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển. Ðây còn là mái nhà chung cho ngư dân, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ về thiết bị, ngư cụ giúp họ đánh bắt hải sản có hiệu quả hơn.
Năm 2014, bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện công tác giảm tổn thất sau thu hoạch trong lĩnh vực thủy sản theo quyết định 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thủy sản sẽ đẩy mạnh triển khai đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản theo hướng khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa, thành lập tổ đội sản xuất; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần cho khai thác thủy sản…
Hoàng Sa là của Việt Nam, cho dù đã bị tước đoạt một cách vô lý. Nhưng ngư dân chúng ta vẫn vươn khơi bám biển. Họ ra khơi, đến vùng biển Hoàng Sa vì đó vùng biển của đất nước mình. Họ tới Hoàng Sa mang theo chính nghĩa và sức mạnh cộng đồng!
. Theo TÔN THẤT DUY (Đại đoàn kết)