Vấn đề quyền của dân tộc bản địa?
Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng nước ta, chúng thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn, trang tin điện tử là “Chính quyền Việt Nam không thực thi các quyền của dân tộc bản địa” theo đúng cam kết đã ký trong “Tuyên ngôn của Liên hợp quốc (LHQ) về Quyền của các dân tộc bản địa”. Đây là luận điệu hoàn toàn bịa đặt, vu khống, không đúng với tình hình thực tế nước ta.
Về dân tộc bản địa, LHQ quan niệm: “Dân tộc bản địa hay còn gọi là thổ dân là nhóm người đã từng có mặt trên một lĩnh vực đất đai, trước ngày di dân của nhóm dân tộc khác vào lãnh thổ của họ”. Hiện nay, trên thế giới như những thổ dân của châu Úc, họ đã sinh sống lâu đời ở châu Úc, trước khi thực dân Anh đưa quân đội và dân đến chiếm đóng, thống trị và cai quản, những người da đỏ ở Hoa Kỳ là những thổ dân đã sống lâu đời trên đất Hoa Kỳ, trước khi quân đội và người da trắng đến chiếm đóng.
Ở nước ta thuật ngữ “dân tộc bản địa” gắn liền với các thời kỳ nước ta bị đô hộ, xâm lược. Thời kỳ Pháp thuộc, thuật ngữ “dân tộc bản địa” hoặc “người bản xứ” được dùng để chỉ tất cả các cộng đồng dân tộc Việt Nam (kể cả người Kinh và các dân tộc thiểu số). Khi ấy, người dân nước ta không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giàu hay nghèo, trí thức hay lao động chân tay đều bị gọi chung bằng tên gọi miệt thị “Annammit”.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; người dân Việt Nam làm chủ đất nước của mình, không còn là dân bản địa hay bản xứ nữa. Trong Tuyên ngôn độc lập khẳng định: Nhà nước tôn trọng quyền bình đẳng của tất cả các công dân thuộc các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 đã quy định “Tất cả các công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa”. Đối với các dân tộc thiểu số, Hiến pháp cũng đã quy định: “Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.
Từ năm 1945 đến nay, thuật ngữ “dân tộc bản địa” hay “người bản xứ” chỉ còn dùng trong văn bản lịch sử hoặc trong ký ức, gợi nhớ về quá khứ đau thương của dân tộc ta, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Hiện tại trong tất cả các văn bản hành chính và đời sống văn hóa xã hội nước ta không còn sử dụng thuật ngữ “dân tộc bản địa” để chỉ vị thế của người dân hoặc nói về các dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Còn thuật ngữ “dân tộc thiểu số” thường dùng để chỉ người thuộc các dân tộc có dân số ít hơn so với dân tộc đa số. Khái niệm này tồn tại cùng với quá trình phát triển đất nước cũng như các dân tộc Việt Nam. Do đó, về mặt khoa học, người dân tộc thiểu số ở Việt Nam khác với người bản địa theo quan niệm của LHQ. Như vậy, ở Việt Nam không có khái niệm “người bản địa” và không có dân tộc nào được coi là dân tộc bản địa, cộng đồng các dân tộc Việt Nam cư trú xen kẽ nhau, được hình thành và phát triển cùng với điều kiện lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước tạo nên một dân tộc Việt Nam đoàn kết, thống nhất trong 54 dân tộc của đại gia đình Việt Nam.
Những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, quyền của các dân tộc thiểu số được đảm bảo, đời sống đồng bào từng bước đã được cải thiện. Tuy nhiên gần đây, lợi dụng “Tuyên ngôn của LHQ về Quyền của các dân tộc bản địa”, các thế lực thù địch tuyên truyền luận điệu đòi công nhận các dân tộc Chăm, Campuchia-Krom, dân tộc tại chỗ Tây Nguyên là các dân tộc bản địa, đòi các quyền phi lý, hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chia cắt đất nước và chống phá sự nghiệp xây dựng CNXH của nước ta.
TRUNG NGÔN
Bài Viết rất hay, cần có nhiều bài viết thế này và cần được tuyên truyền rộng rãi, cụ thể hơn.