“Chợ di động” đến vùng cao
Có dịp về xã miền núi Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh những người phụ nữ miền xuôi rong ruổi trên chiếc “ngựa sắt” đi khắp các thôn, làng để cung ứng cho bà con đồng bào Bana các loại lương thực, thực phẩm và nhiều nhu yếu phẩm khác. Thế nhưng, với đồng bào dân tộc nơi đây, hình ảnh này đã trở nên quen thuộc; họ gọi đây là “chợ di động”.
Hơn 15 năm nay, bất kể ngày nắng hay mưa, cứ tầm 3 giờ sáng mỗi ngày, bà Mai Thị Gần (ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) lại cùng chiếc “ngựa sắt” thẳng hướng về các thôn, làng của xã Vĩnh Kim để bán các loại hàng hóa là thức ăn tươi sống, thức ăn chế biến sẵn, các loại thực phẩm và nhu yếu phẩm khác. Thông thường, gánh hàng của bà Gần được chất đầy ắp trong đôi giỏ gắn phía sau chiếc xe máy với lỉnh kỉnh nào thịt heo, thịt bò; cá; các loại đồ ăn liền như bánh hỏi, bánh xèo, chè; các loại rau, củ, quả; dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, muối, hành, ớt… Riêng những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, gánh hàng của bà còn có thêm hương vị của ngày Tết với các loại mứt, bánh kẹo, hạt dưa…
Sau gần 2 giờ đồng hồ vượt nhiều con dốc cheo leo, khúc khuỷu, khoảng 5 giờ sáng, bà Gần cùng “chợ di động” trên chiếc xe máy đến trung tâm xã Vĩnh Kim. Nghỉ ngơi ít phút, bà tiếp tục chở hàng tới làng O5, Kon Trú và nhiều làng khác trên địa bàn xã để bán cho bà con dân tộc nơi đây. Đã thành thói quen, tới mỗi làng, bà Gần chỉ cần dừng xe ở một điểm cố định, bà con đồng bào Bana sẽ tìm đến mua những mặt hàng cần thiết để sử dụng trong ngày hoặc dự trữ cho những ngày tiếp theo. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, bà Gần cùng với “chợ di động” của mình rong ruổi khắp các thôn, làng của xã Vĩnh Kim để phục vụ nhu cầu ăn uống thiết yếu hàng ngày của người dân.
Chị Đinh Liếc (ở làng O5) cho biết: “Có người đem thức ăn đến tận làng để bán rồi, đồng bào mình không phải đi cả ngày đường xuống chợ thị trấn để mua con cá, miếng thịt nữa, mình thích lắm”. “Buôn bán ở miền núi khá vất vả, nhưng đổi lại kiếm được nhiều lời hơn so với ở miền xuôi. Những năm trước kia, đường sá đi lại khó khăn, nhu cầu ăn uống của người dân còn thấp nên việc buôn bán cũng bấp bênh lắm. Hiện nay, cuộc sống của bà con ở các thôn, làng đã khấm khá hơn trước; nhu cầu ăn, uống hàng ngày của họ cũng tăng cao nên việc mua bán cũng xôm tụ hơn” - bà Gần chia sẻ.
Mặc dù tự nhận là người mới vào nghề, nhưng chị Trần Thị Phượng (ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) cũng có gần 5 năm làm nghề này. Cũng như bà Gần, “chợ di động” của chị Phượng bao gồm các loại thức ăn tươi sống như thịt, cá; các loại rau, củ, quả; các loại gia vị và nhiều nhu yếu phẩm khác. Địa bàn hoạt động của chị Phượng chủ yếu là các thôn, làng thuộc xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn. Ngoài việc bán hàng và nhận tiền mặt, chị Phượng còn thực hiện giao dịch theo phương thức “hàng đổi hàng”. Đã quen với địa điểm và thời gian chị Phượng tới bán hàng, bà con ở làng K2, K3 (xã Vĩnh Sơn); làng K6, O5 (xã Vĩnh Kim) thường mang chuối, mật ong rừng, gia cầm chờ sẵn bên đường để đổi lấy thịt, cá, rau, muối… của chị. Bởi vậy, khi bán hàng xong trở về, xe chị Phượng lúc nào cũng đầy ắp hàng hóa các loại. Chị Phượng tâm sự: “Khi mới tập tò đi những chuyến đầu tiên, tôi cảm thấy rất mệt, tưởng như không thể tiếp tục. Thế nhưng, đi nhiều trở thành quen, ngày không vào làng bán hàng là có cảm giác như thiêu thiếu cái gì đó”.
Hiện nay, không riêng gì bà Gần, chị Phượng, mà nhiều phụ nữ miền xuôi khác cũng “bén duyên” với việc mang “chợ di động” đến với đồng bào ở xã miền núi. Giữa không gian núi rừng trùng điệp, những “chợ di động” với đầy đủ thức ăn, hàng hóa đã đáp ứng nhu cầu ăn uống, tiêu dùng thường nhật của đồng bào vùng cao; giúp bà con đỡ đi phần nào việc băng hàng chục cây số đường rừng để tới chợ mua sắm. Đối với những người mang “chợ” đến với đồng bào, dẫu gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng họ được tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tết đang đến, những ngày này, gánh hàng từ “chợ di động” không chỉ mang theo hàng hóa mà còn mang cả sắc xuân rộn ràng, tươi vui đến với đồng bào vùng cao Vĩnh Thạnh.
V.LỰC - T.LỢI