Rau sạch
Khởi nguyên của rau là sạch, nhưng không biết từ lúc nào người trồng rau đã làm mất đi sự tinh khôi của nó. Rau “bẩn” xuất hiện tràn lan, theo vào từng bữa cơm của mỗi gia đình khiến người người lo lắng, bất an. Và rồi, với yêu cầu cấp thiết từ cuộc sống, việc tìm đường đưa rau trở về với ý nghĩa ban đầu đang được róng riết đặt ra với những bước đi tuy còn khá mỏng manh, chậm chạp.
Trồng rau VietGAP
Đã có nhiều chương trình, dự án được ngành NN-PTNT triển khai để “cứu” cây rau. Lớn nhất tại thời điểm này, có lẽ là một hợp phần của Dự án Sinh kế nông thôn bền vững do Chính phủ New Zealand tài trợ. Với hợp phần này, từ năm 2010, hàng loạt công việc đã được triển khai với 2 vùng rau “điểm” của tỉnh ở thôn Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) và thôn Luật Chánh (xã Phước Hiệp, Tuy Phước). Ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc dự án cho biết: “Tại 2 địa phương trên đã thành lập được 6 nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP, với trên 130 hộ nông dân tham gia thực hiện 10 ha rau. Dự án đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 nhà sơ chế với năng lực 1.000 kg rau/nhà sơ chế/ngày; hỗ trợ vốn lưu động để thu mua, sơ chế và tiêu thụ rau cho nông dân; xúc tiến quảng bá tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân giải quyết đầu ra với lợi nhuận cao hơn…”.
Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices- nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm cây trồng của Việt Nam). Quy trình VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Mùa này, về làng rau Thuận Nghĩa, chúng tôi như lạc giữa màu xanh của rau trái. Người trồng rau ở Thuận Nghĩa bảo: Đất ở đây đã tốt lại thêm thời tiết ôn hòa, phù hợp cho rau phát triển nên bỏ công sức ít, chẳng cần thuốc, phân, cây rau vẫn cứ xanh tốt mượt mà. Trời đã sẩm tối nhưng trên thửa rau của gia đình ông Quách Thanh Vân, một hộ nông dân trong Nhóm cùng sở thích sản xuất RAT tại khối Thuận Nghĩa vẫn còn đông người. Một vài phụ nữ đang nhanh tay cắt rau cải cúc, bó thành từng bó để sẵn. Ông Vân cho biết, ông vừa đưa khoảng 600 bó cải cúc cung cấp cho các mối ở chợ Trường Định, chợ Bình Nghi, chợ Phú Phong…bởi nhà sơ chế không thể đảm bảo tiêu thụ hết lượng rau trong nhân dân. Ông Trần Văn Trinh cũng là một nông dân tham gia vào nhóm cùng sở thích cho biết, nhà có khoảng 410 m2 đất, đang trồng đậu cove và cải cúc cung cấp cho nhà sơ chế…
Nếu như thế mạnh ở Thuận Nghĩa là những cây rau ăn lá, trong đó, chủ lực là cây hành và các loại rau gia vị thì đến với vùng rau Luật Chánh, chúng tôi bắt gặp khá nhiều loại quả, củ như khổ qua, dưa leo, bầu, bí, mướp... Các ruộng rau bao bọc xung quanh nhà sơ chế của Dự án là một thuận lợi cho nông dân trong việc vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. Gặp ông Mai Trường Sơn Dũng (57 tuổi) đang làm đất để xuống giống rau trên 750 m2 đất của gia đình. Ông Dũng hồ hởi nói: “Trồng rau VietGAP, nếu ổn định được đầu ra có lợi hơn nhiều so với bán rau ra chợ, bởi Dự án mua rau cao hơn giá thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg, lại không tốn công đi chợ bán”. Rồi ông khoe, vụ rau “lụt” vừa qua, nhà ông trúng đậm 500 m2 khổ qua, bán hết cho nhà sơ chế với giá từ 17.000- 19.000 đồng/kg, thu lãi gấp 3 lần so với bình thường.
Nhìn những ruộng khổ qua vụ giáp Tết ở Phước Hiệp trái sai, mỡ màng thật thích mắt. Người trồng rau nơi đây rất tự hào vì trái khổ qua phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng nên có vị đắng đậm đà rất đặc trưng mà hiếm nơi nào có được. Qua trò chuyện với ông Dũng và nhiều nông dân khác, chúng tôi nghe được những ước muốn của người trồng rau về việc đưa những loại rau trái đặc sản của vùng mình vươn xa. Mà trong đó, con đường, cách thức “sống còn” để tăng thêm lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau trái quê mình là trồng rau VietGAP.
Đưa rau sạch ra chợ
Khó khăn nhất của người trồng rau VietGAP là đưa rau ra thị trường. Sau nhiều năm triển khai, HTXNN Phước Hiệp hiện đã bán ra thị trường được từ 250-300 kg rau/ngày. HTXNN Thuận Nghĩa bán được từ 180-200 kg. Khách hàng chủ lực của 130 hộ nông dân với 10 ha rau của Luật Chánh và Thuận Nghĩa mới chỉ là Co.opMart Quy Nhơn. Theo bà Trần Thị Bích Sương, Phó Giám đốc, mỗi ngày siêu thị nhập 350-400 kg rau với khoảng 10-12 chủng loại từ các làng rau VietGAP. Cũng bởi yêu cầu cần phải đa dạng về chủng loại trong khi còn hạn hẹp về đầu ra, nên hiện tại 2 làng rau VietGAP chỉ luân phiên cung cấp rau cho siêu thị. Như vậy, một lượng không nhỏ RAT của nông dân được bán ra chợ như rau…chợ.
Để giúp nông dân mở rộng thị trường, mới đây, Dự án Sinh kế nông thôn bền vững đã hộ trợ mở thêm 10 điểm cung cấp rau VietGAP tại các chợ ở Quy Nhơn, Tuy Phước và Tây Sơn. Theo khảo sát của chúng tôi, mỗi điểm bán rau mới hiện cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 15-25 kg mỗi ngày, bởi chưa tiếp cận được nhiều với những khách hàng giàu tiềm năng như nhà hàng, khách sạn, trường học, các bếp ăn tập thể và cái chính là chưa tạo được lòng tin cho người tiêu dùng một khi cung cách mua bán RAT vẫn còn mang tính chắp vá, thiếu chuyên nghiệp.
Theo dự thảo quy hoạch tổng thể sản xuất, trồng trọt vùng sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh, bên cạnh định hướng chung là tất cả các vùng trồng rau sẽ trồng RAT, thì đến năm 2020, phải phát triển cho được 273 ha RAT xung quanh các thị trấn, thị tứ ở Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Quy Nhơn…
Người ăn cần rau sạch nhưng người trồng rau sạch lại không bán được rau. Chúng tôi đã nhìn thấy một phần nguyên nhân từ khá nhiều nghịch lý còn tồn tại ở các làng rau. Như, dù đã chuyển sang canh tác RAT theo một quy trình chuyên nghiệp nhưng ruộng, đất trồng rau lại khá manh mún, một số nông dân vẫn thích chuyên canh một vài loại rau và bán cùng một lúc trong khi thị trường cần sự đa dạng về chủng loại. Nguồn rau lúc khan hiếm thì giá rất cao, nhưng vào những thời điểm chính vụ rau trồng nhiều thì giá quá thấp. Rau VietGAP ra thị trường với số lượng ít nên chi phí sơ chế, bao bì, vận chuyển bị đẩy lên cao làm cho giá thành cao hơn so với rau ngoài thị trường cũng khó hấp dẫn số đông các bà nội trợ còn phải căn ke với nhiều khoản chi tiêu trong gia đình…Những nghịch lý, tồn tại của nghề trồng rau đã chưa cho phép người nông dân làm giàu từ cây rau dù vẫn khẳng định rằng trồng rau chỉ có lãi.
Vươn dậy nào… rau sạch!
Ai cũng có nhu cầu được ăn rau sạch. Hiện nay, ước tính mỗi ngày thị trường trong tỉnh có nhu cầu 60-70 tấn rau các loại, trong khi rau sạch chỉ chiếm khoảng 1%. Một con số quá ít ỏi.
“Cách duy nhất để phát triển rau VietGAP là đẩy mạnh tiêu thụ”- ông Phạm Long Thăng, Chủ nhiệm HTXNN Phước Hiệp, nhấn mạnh trong nỗi niềm trăn trở. Lợi ích của rau sạch quá rõ, nhưng không phải ai ai cũng thấy rõ. Cần phải có một chiến lược đủ mạnh tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá để người tiêu dùng thấy được sự khác nhau giữa sản phẩm RAT và rau không an toàn. Dự án Sinh kế nông thôn bền vững với nhiều hoạt động đồng bộ, hữu ích đã hỗ trợ nông dân trồng và đưa rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ra thị trường sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Đây cũng chỉ là đòn bẩy, là “chất kích thích” nội lực tự thân của nông dân vì mục tiêu nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Trước khi có RAT được chứng nhận VietGAP, Sở NN-PTNT cũng đã xây dựng thí điểm nhiều vùng RAT, trong đó, người trồng rau phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, quản lý sâu bệnh theo IPM, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ thay thuốc hóa học, phân vô cơ và quan trọng nhất là thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”. Như vậy, ngoài tiêu chuẩn VietGAP, còn có các tiêu chuẩn GAP khác và mẫu điển hình đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định. Đáp ứng yêu cầu đó, thì tất cả các vùng trồng rau toàn tỉnh phải thực hiện cho được việc trồng RAT.
Để làm được điều này, quan trọng nhất là làm sao để tất cả nông dân trồng rau đều nhận thức được là phải trồng RAT, nếu không trồng RAT sẽ không được bán ra thị trường. Về phía Nhà nước, trước khi cấm người trồng rau không an toàn cần có cơ chế, chính sách, kinh phí để quy hoạch và đầu tư hạ tầng (hệ thống tưới tiêu, điện, đường…) đầy đủ cho các vùng trồng RAT; xây dựng các HTXNN, các tổ nhóm sản xuất RAT; tập huấn đầy đủ nội dung, thường xuyên cho nông dân về kỹ thuật sản xuất RAT; kiểm tra, xử phạt thật nghiêm những đại lý kinh doanh buôn bán rau không rõ nguồn gốc, rau không an toàn…
Nhận thức của người tiêu dùng đang thay đổi theo hướng tích cực. Tiêu chí sức khỏe được đặt lên hàng đầu nên rau sạch sẽ là lựa chọn mang tính bền vững. Dù chưa tìm được đầu ra mạnh mẽ cho rau VietGAP nhưng chúng tôi thấy HTXNN Phước Hiệp, Thuận Nghĩa…vẫn đang có những động thái mở rộng các vùng trồng RAT để chủ động đón đầu nhu cầu thị trường. Đây là những tín hiệu lạc quan cho sự vươn dậy của cây rau sạch trong tương lai.
NGUYỄN MUỘI- THU THỦY
Ảnh: Nguyễn Muội
Em rất thích mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn Vietgap. Em rất muốn mở một quầy,cửa hàng bán rau,củ, trái cây sạch và an toàn. Trước hết, gia đình em luôn mong muốn được sử dụng rau quả sạch và an toàn, em nghĩ rằng nhu cầu về sức khỏe đang được mọi người rất chú trọng. Em biết la rất khó tiêu thụ, vì ở chỗ em sống là khu vực cận nông thôn, nên cũng nhiều nhà trồng rau tại nhà dể đáp ứng nhu cầu của gia đình. em rất muốn biết số điện thoại của HTXNN Thuận Nghĩa và HTXNN Luật Chánh, em mong Tòa Soạn giúp để liên hệ. Cảm ơn