Đầu năm, thăm đồng
Những ngày Tết, không khí có chút se lạnh, khí hậu những ngày xuân thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh tấn công hoa màu. Chính vì vậy, nhiều bà con nông dân vui Tết nhưng không quên chăm sóc, thăm nom ruộng đồng và mong chờ vụ mùa bội thu.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng tranh thủ đi dặm lúa, tháo nước ruộng vào sáng 30 Tết.
Dù không khí Tết vẫn còn nhộn nhịp nhưng ông Nguyễn Văn Dũng (khu phố An Lộc 2, phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn) đã tranh thủ ra đồng dặm lúa, tháo nước vào ruộng. Ông Dũng cho biết: “Vào thời gian này, trời se lạnh, cây lúa thường chậm phát triển. Khí hậu này cũng tạo điều kiện để nhiều loài côn trùng gây hại cây lúa phát triển. Làm nông thì ai cũng vậy, phải cố gắng, chịu khó thăm nom, chăm sóc ruộng thường xuyên, bằng không cây lúa phát triển kém, hư hết”.
Còn bà Nguyễn Thị Thuận (thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), cho biết: “Vì dịch bệnh Covid-19 nên các con tôi không về ăn Tết với gia đình. Ở nhà cũng buồn chân buồn tay nên tôi thường xuyên thăm đồng cho khuây khỏa. Tôi phải trông chừng để chuột bớt phá hoại, ngoài nhử thuốc, cắm cọc đuổi mình phải ra kiểm tra cẩn thận nhiều lần, chuột nó sợ hơi người”.
Bà Ngô Thị Minh Tâm (khu phố Phò An, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn), ra thăm đồng như một “nghi thức” của ngày đầu năm mới. Bà chia sẻ: Từ chiều 30 Tết, tôi làm cỏ và be bờ cho ruộng sạch sẽ, giống như dọn dẹp nhà cửa đón Tết vậy. Đến mùng 4 mình bón phân để cây lúa có chất dinh dưỡng trổ đòng. Hơn nữa tầm này trời hay se lạnh vào sáng sớm và nắng gắt về trưa cũng khiến cây dễ bị các loại bệnh như đạo ôn, bọ rầy… Vì vậy việc ra thăm đồng ngày Tết là rất quan trọng. Phải phòng ngừa sớm, nếu phát hiện có sâu bệnh mình trị ngay để giảm bớt thiệt hại.
Ông Nguyễn Thi dọn sạch cỏ ven ruộng lúa đang trong giai đoạn lúa lên đòng.
Trong khi đó từ tờ mờ sáng mùng 4 Tết, ông Nguyễn Thi (khu phố Thiết Đính Nam, phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn) đã đi thăm ruộng. Ông Thi cho biết: Suốt mấy chục năm làm ruộng, năm nào trong dịp Tết tôi cũng đi thăm ruộng. Hết thăm thửa ruộng này đến thửa ruộng kia. Mình ăn Tết nhưng cũng không bỏ bê ruộng đồng. Hiện ruộng lúa của tôi đang trong giai đoạn làm đòng, đây là giai đoạn phát triển rất quan trọng của cây lúa cho nên mình phải chăm sóc thường xuyên. Ngoài làm sạch cỏ ven bờ ruộng, tôi còn chú trọng cung cấp đủ nước cho cây, cắm cây bẹo bằng ny lông để hạn chế lũ chuột phá hoại. Tôi làm thật kỹ lưỡng, giúp cây lúa phát triển tốt để mong được mùa bội thu.
Sáng sớm mùng 6 Tết, trên khắp các cánh đồng thuộc thị trấn An Lão đã có khá đông bà con nông dân ra đồng nhổ cỏ, bón phân, chăm sóc lúa. Vừa nhanh tay nhổ cỏ, bà Lê Thị Thúy ở thôn Hưng Nhơn vừa chia sẻ, vụ Xuân này, gia đình có 5 sào ruộng, toàn bộ đều sạ lúa chất lượng cao. Thời điểm trước Tết, do thời tiết thuận lợi nhờ vậy nhân dân ở đây đã hoàn thành việc gieo sạ theo đúng khung lịch thời vụ.
Không tất bật với cây lúa thì nhiều hộ dân cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây ngắn ngày như bắp, đậu phụng, rau màu…, người xới đất trồng ngô, người chăm sóc rau màu. Ông Đỗ Đình Biểu - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Lão, cho biết: “Vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện gieo sạ 1.066 ha lúa, 112 ha bắp, 39,5 ha đậu phụng và 20 ha rau màu các loại. Hiện nay, các loại cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt, bà con nông dân nhiều địa phương trong huyện đang tiếp tục chăm sóc cây trồng sau Tết, đảm bảo vụ Đông Xuân giành thắng lợi”.
M. THƯ - H. THÀNH - D.T. DIỆU