Tất bật chăm mai sau Tết
Từ mùng 6 Tết, công việc tại các nhà vườn trồng mai ở TX An Nhơn cũng khá nhộn nhịp không kém gì những ngày trước Tết. Trên các nẻo đường quê, cộ trâu, ba gác máy xuôi ngược chở mai, chở phân, đưa đất nhập vườn... Họ đang tất bật bước vào vụ chăm sóc mai cho mùa năm tới.
Tất bật việc chăm sóc mai sau Tết tại các nhà vườn ở xã Nhơn An.
Ông Phan Thanh Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế TX An Nhơn, cho biết: Qua thống kê, tết Tân Sửu năm nay, các hộ trồng mai trên địa bàn thị xã thu hơn 71 tỷ đồng từ tiền bán mai, trong khi tết Canh Tý 2020 thu được 120 tỷ đồng. Nguyên nhân thất thu là do năm vừa rồi là năm nhuận, gặp thời tiết lạnh bất thường ảnh hưởng đến chất lượng cây hoa mai; đồng thời dịch Covid-19 tái bùng phát tại các tỉnh phía Bắc, nên các thương lái bỏ cọc, không mua.
Theo ông Trần Thanh Khương, ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An (TX An Nhơn), vườn mai nhà ông có hơn 1.000 chậu từ 7 đến 15 năm tuổi, nhưng có đến 50% số cây không nở đúng dịp Tết. Ông Khương nói: “Dù có rất nhiều kinh nghiệm chăm mai, nhưng do năm qua là năm nhuận, cộng với việc trước Tết gặp 2 đợt không khí lạnh kéo dài nên khoảng một nửa số cây mai gần như bị “câm”, hoa không nở. Do đó, tôi chỉ bán được 200 chậu, thu gần 100 triệu đồng”. Còn ông Trần Xuân Hào, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An, cũng chỉ bán có 500/1.500 chậu mai Tết, thu về 250 triệu đồng, thất thu khoảng 300 triệu đồng so với mọi năm.
Sau một mùa hoa thất bát, người trồng mai ở Nhơn An lại vào vụ chăm cây sau Tết với tinh thần quyết tâm hơn. Mới tờ mờ sáng, bà Lê Thị Sương, một nhà vườn trồng mai ở thôn Thanh Liêm, cùng con gái tranh thủ ra vườn suốt bỏ cả lá lẫn hoa, nhổ nọc, cắt bỏ cành phụ. “Qua Tết mà không cắt nụ thì sẽ làm cho cây mai mất sức, vì phải nuôi hạt của đài hoa. Nếu cây mai không kịp bón phân, không rút cành, ánh nắng không chiếu được vào thân, nhánh thì cây dễ bị nấm bệnh...”, bà Sương chia sẻ.
Bà Sương nhổ nọc, cắt bỏ cành phụ, lặt lá, hoa để cây mai không mất sức.
Mặc dù năm nay bị thất thu từ cây mai nhưng ngay sau Tết, ông Nguyễn Tấn Minh, ở thôn Háo Đức vẫn cố gắng đầu tư mua phân, chậu, thuê người thay đất… ông Minh cho rằng: “Việc chăm sóc cây mai sau Tết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển và quyết định cho việc ra hoa vào mùa tết năm sau. Do đó, thời điểm này, nhà trồng mai đều đang rất tất bật đổ dồn về các vườn. Để chăm sóc vườn mai hơn 2.000 cây, ông phải thuê thêm 2 lao động cùng với ông cắt cành, tạo dáng, thay đất, thay chậu… cho kịp tiến độ, nếu làm không kịp thời, kéo dài thời gian cây mai ra trái và mất sức”.
Còn với anh Lê Văn Ba, cũng ở thôn Háo Đức, do không thuê được lao động nên vợ chồng anh rất bận rộn với việc cắt cành, xịt rửa nấm trên thân cây và thay đất mới cho 400 chậu mai còn lại trong vườn. Theo anh Ba, trước đây công đoạn rửa nấm từng cây mai bằng tay nên tốn nhiều thời gian, nay hầu như nhà vườn nào cũng trang bị máy bơm và béc phun để xịt nước nên rửa rất nhanh. Bởi rong bám vào thân mai thì sẽ hút hết dinh dưỡng, làm mai chậm phát triển.
Thời điểm này không chỉ nhà vườn tất bật với việc chăm cây mai sau Tết, mà nhiều người chơi mai cũng hối hả chở mai về gửi các nhà vườn để thuê chăm sóc. Ông Hồ Minh Nhật (chủ cơ sở mai bon sai, xã Nhơn An) cho biết: “Sau Tết, công việc nhà vườn dày không kém những ngày giáp Tết. Người sành chơi mai đều hiểu và lo cây mai để trong nhà dài ngày sẽ bị mất sức, nên vừa qua Tết là chở mai đến để thuê mình chăm sóc, tạo dáng cho năm sau”.
Bài, ảnh: VĂN LƯU