Nhớ “mắm má làm”
Chị là dân xứ Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, phải lòng anh là trai quê biển Nhơn Lý - Bình Định, rồi về làm dâu của má. Trước khi về chung nhà với anh, chị chưa từng đến Bình Định. Quen biết anh, cảm thương cái tính chịu thương chịu khó, chăm chỉ làm ăn, biết ăn biết ở của anh nên chị gởi trọn niềm tin yêu, không đắn đo điều gì.
Vậy nên khi chính thức làm con dâu xứ Nẫu, chị lạ lẫm với rất nhiều thứ. Và thứ làm chị khó-chịu - nhất lúc đầu là “mắm má làm”. Bởi, chị quen dùng loại nước mắm có vị ngòn ngọt và trước giờ cũng không ăn mắm nhiều. Anh thì ngược lại, ăn gì cũng phải chấm mắm và chỉ dùng loại duy nhất là mắm - má - làm. Anh kể với chị, cả tuổi thơ đến lớn của mình đều gắn liền với những khạp mắm má làm, mùa nào ăn mắm đó, vị mắm má làm - người khen người chê - nhưng với anh thì không loại nào thay thế được. Anh kể bằng niềm tự hào vô bờ bến về má, chị ngồi nghe, có cảm giác từng giọt mắm là từng giọt yêu thương má chắt chiu dành cho người thân yêu. Hiểu vậy nên chị cố gắng “chấp nhận” những chai nước mắm nhĩ, hũ mắm ruốc, mắm cá cơm má gửi vào. Như lần anh háo hức kho món mắm ruột với thịt ba chỉ, cả nhà tràn ngập mùi mắm “khăm khẳm”, không chịu đựng được, chị mở cửa phòng, định nói anh đem ra ngoài sân nhưng nhìn vẻ hân hoan của anh, chị mỉm cười, chấp nhận đề nghị “ăn thử xem sao” của anh.
Nhiều lần như vậy, vì thương anh, chị đã “thử ăn mắm má làm xem sao”. Biết chị ăn ngọt, một đôi lần anh chủ ý cho thêm chút đường để chị quen dần. Rồi sau vài lần “ăn thử”, chị cảm nhận được vị ngọt đậm đà của cá, ruốc trong mắm. Vị mặn mòi của biển có sức hút đặc biệt. Ban đầu chị ăn ít, rồi dần dần nhiều, rồi chuyển sang ăn hẳn nước mắm má làm với anh, rồi học cách kho mắm ruốc, mắm cá cơm với thịt, với trứng…
Hơn chục năm qua, chị đã ăn mắm má làm không thua gì anh. Lâu lâu, có người quen đến nhà chơi, tỏ ra ái ngại cho chị về khoản “ăn ngọt của người miền Nam”, anh cười thật tươi bảo, giờ chị mê mắm má làm hơn cả anh rồi, biết cả cách kho mắm má làm cho vừa miệng người miền Trung và cả người miền Nam là bà con, bạn bè chị nữa.
Ăn mắm má làm riết đến ghiền, chị cảm nhận được nhiều thứ từ má - người phụ nữ quê biển Bình Định cả đời dành trọn tình yêu thương, sự hy sinh cho chồng, con, người thân yêu. Má thương chị vì chồng con mà chấp nhận sự khác biệt, mở rộng lòng, sự bao dung để xóa dần mọi khoảng cách, kéo gần những yêu thương. Má và chị giống nhau ở sự bao dung, sự thấu hiểu bởi vậy mà ngày càng khăng khít, thiết tha với nhau.
Tết này, má vui khi chị báo tin sẽ về đón Tết quê chồng. Vậy là, má dành lại vài hũ mắm, làm vài dề chả cá để “đãi” con dâu miền Nam. Nhưng rồi, chờ hoài.... Chị điện thoại báo lại, dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải hủy vé máy bay, ở lại cho an toàn. “Ra Giêng, con về. Má nhớ để dành mắm cho con nha má”, chị dặn dò tha thiết!.
KHÁNH HUÂN