Tháng Giêng đi chùa
Trời nắng nhưng vẫn se lạnh trong những ngày xuân mới, bước chân khách cũng nhẹ hơn khi vượt hàng trăm bậc thang đá lên cao dần trên núi để viếng thăm chùa Ông Núi (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát). Phải đến 24 - 25 tháng Giêng âm lịch mới đến lễ hội chùa Ông Núi nhưng với phong cảnh hữu tình ngôi chùa cổ này thu hút du khách quanh năm, đặc biệt là trong tháng Giêng.
Chùa Ông Núi được tôn tạo đẹp hơn những năm qua và trong dịp tết Tân Sửu.
Năm nay chùa Ông Núi có thêm nhiều cảnh quan mới, hài hòa, tạo thêm ấn tượng cho khách như: Tượng Phật Quán thế âm bồ tát bên dòng suối, rồi cầu cảnh với hàng trăm đèn lồng treo trang trí phía trên cầu; khu chợ quê với nhiều nhà mái rơm treo những bức thư pháp, trang trí thêm nhiều hoa… thu hút khách vào tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Bạn nên dành thời gian tiếp tục đi lên khu vực núi cao hơn phía sau chánh điện để viếng hang Tổ còn nguyên sơ được bao bọc bởi khối đá núi lớn, nơi tương truyền ngày xưa thiền sư Lê Ban từng ở để tu hành, ông xuống núi cứu chữa người dân mỗi khi có bệnh, dịch. Trên đường đến với hang Tổ, ta còn có thể ngắm toàn cảnh khu vực núi và đồng bằng phía dưới chùa với những cánh đồng, bãi biển phía xa, các khu dân cư của thị trấn Cát Tiến đang phát triển.
Chùa Bà ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.
Cách chùa Ông Núi khoảng chục cây số với đường đi thuận tiện là chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Thường vào Lễ hội Đô thị Nước Mặn tổ chức ngày 29 tháng Giêng hằng năm, chùa Bà mới nhộn nhịp đông vui nhất, khi có tổ chức thêm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian.... Khuôn viên chùa thời gian qua tiếp tục được mở rộng, tôn tạo thêm để đón tiếp khách tốt hơn so với trước đây. Nơi thờ tự cũng được tu bổ xây dựng trang trọng hơn, với gian giữa có tượng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, gian hữu có tượng thờ bà chúa Thai Sinh - Bảo Sản, gian tả thờ thần Thành Hoàng. Theo tín ngưỡng dân gian, đến với ngôi chùa này thường cầu về đường con cái, sinh đẻ mẹ tròn con vuông… đồng thời cầu bình an, làm ăn thuận lợi, phát đạt trong năm mới.
Nếu có thời gian, sau khi rời chùa Bà, bạn có thể đến thăm viếng chùa Ông, miếu Bà Hỏa, miếu Thành Hoàng, miếu Ông Hổ cũng ở các khu vực gần đó, để biết thêm về đời sống tâm linh thể hiện sự dung hợp văn hóa - tín ngưỡng của người Việt và người Hoa ở vùng Cảng thị Nước Mặn ngày xưa vẫn được người dân địa phương tiếp nối gìn giữ, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống.
Miếu Bà ở thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn.
Trong những ngày xuân, về thăm viếng miếu Bà (thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn), bạn sẽ được nghe người dân địa phương kể những câu chuyện thú vị, gần gũi đời sống “người thật việc thật” về bà Đỗ Thị Tân. Chuyện kể rằng hơn 300 năm trước bà Đỗ Thị Tân là người tận tâm với công việc đỡ đẻ cho rất nhiều người dân trong vùng. Chẳng quản đêm hôm, đường xa, mưa gió, hay phân biệt giàu, nghèo, nơi nào cần thì bà đều đến giúp mà chẳng màng đến việc trả ơn… nên được vua Tự Đức ban sắc phong “Ân đức độ nhân”. Ngày 16 - 17 tháng Giêng năm nay, Lễ hội Vía Bà không tổ chức các hoạt động hội thu hút đông người tại miếu Bà như mọi năm, nhưng ban quản lý miếu vẫn sẽ tiến hành các phần lễ cúng tế theo truyền thống, người dân và du khách có thể vào dâng hương, khấn cầu đầu năm...
Bài, ảnh: HOÀI THU