Doanh nghiệp ra quân sản xuất đầu năm: Chủ động, sáng tạo để giành thắng lợi
Những ngày đầu năm mới, nhiều DN đã ra quân thực hiện kế hoạch năm 2021 với quyết tâm vừa phát triển sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.
Chủ động với những mục tiêu mới
Trên công trường xây dựng nhà máy phong điện Phương Mai 1 tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, nhiều tốp công nhân của Công ty CP Phong điện Phương Mai đang vận hành phương tiện, máy móc lắp đặt các đốt trụ tua bin.
Ông Nguyễn Chí Sơn, cán bộ kỹ thuật của Công ty, chia sẻ: “Vì tính cấp bách của dự án, ngày mùng 4 Tết (15.2), tôi đã rời Hà Tĩnh vào Bình Định để tiếp tục công việc. Công ty có nhiều chính sách hỗ trợ, đảm bảo thu nhập cao, nên chúng tôi rất phấn khởi”.
Nhiều tốp cán bộ kỹ thuật và công nhân của Công ty CP Phong điện Phương Mai chuẩn bị lắp đặt các cánh quạt gió lên trụ tua bin. Ảnh: TIẾN SỸ
Trực tiếp chỉ huy, đôn đốc cán bộ kỹ thuật, công nhân tại công trường, Tổng Giám đốc Phạm Trường Thọ cho hay: Nhà máy phong điện Phương Mai 1 có 11 tổ máy, công suất 26,4 MW, tổng mức đầu tư 1.076 tỷ đồng. Đến nay, tất cả thiết bị đã được tập kết tại công trường, các cán bộ kỹ thuật, công nhân và người lao động đang nỗ lực lắp đặt các đốt còn lại của 11 trụ tua bin, đồng thời hoàn thiện hệ thống điện phục vụ nhà máy. Công ty phấn đấu đến cuối tháng 4 này sẽ hoàn thành dự án, tháng 6 đưa nhà máy vào vận hành thương mại.
Ngày 17.2 (mùng 6 tết Tân Sửu), cán bộ, công nhân Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) làm việc trở lại. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tổng doanh thu của BIDIFISCO vẫn đạt trên 1.572 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 59 triệu USD… Năm 2021, BIDIFISCO phấn đấu đạt doanh thu hơn 1.683 tỷ đồng (tăng 7% so với năm 2020), giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 65 triệu USD (tăng hơn 10%)…
Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc BIDIFISCO, để đạt mục tiêu đề ra, Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo BIDIFISCO đã đề ra một số giải pháp như: Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế; chú trọng sản xuất, chế biến những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng hạng trung ở các trung tâm thương mại, siêu thị; thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 để đề ra những phương thức kinh doanh phù hợp.
Tín hiệu khả quan
Năm 2020, hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) của các DN trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn giữ được ổn định, phát triển và đạt những kết quả khả quan. Theo thống kê, năm 2020, chỉ số SXCN toàn tỉnh tăng 5,32% so với năm 2019; trong đó, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trên 35%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 5%... Đáng phấn khởi là bước sang năm mới 2021, hoạt động SXCN vẫn giữ được ổn định và đạt được những kết quả khả quan. Theo thống kê, tháng 1.2021, chỉ số SXCN toàn tỉnh tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng gần 132%; công nghiệp khai khoáng tăng trên 18%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 13,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,84%... Đáng lưu ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 17/22 ngành cấp 2 có chỉ số SXCN tăng so cùng kỳ; trong đó có những ngành chiếm tỷ trọng lớn như: Chế biến sữa (tăng gần 125%), tinh bột sắn (tăng 25%), thức ăn gia súc (tăng gần 17%), phi lê cá (tăng 4,33%)…
Công ty TNHH Công nghiệp Able Tây Sơn ra quân sản xuất đầu năm Tân Sửu 2021. Ảnh: VĂN PHONG
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trên cơ sở phân tích kết quả và cả những hạn chế của hoạt động SXCN, Sở Công Thương đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, qua đó xác định: Phấn đấu đạt chỉ số SXCN tăng từ 6,5 - 7% so với năm 2020. Trước mắt, trong tháng 2.2021, phấn đấu đạt chỉ số SXCN tăng 2 - 2,5% so với cùng kỳ năm 2020. Để đạt được những mục tiêu trên, Sở Công Thương đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động SXCN; phát huy hiệu quả của “cú đề pa” về SXCN đầu năm mới để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tỉnh Bình Định, triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tỉnh Bình Định…
“Thời gian tới, các DN cần nỗ lực nhiều hơn, tăng cường đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, củng cố bộ máy quản lý, điều hành, quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề của đội ngũ nhân lực của DN. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường, các DN phải linh hoạt áp dụng các biện pháp, đảm bảo vừa phát triển sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Chú trọng thực hiện các chế độ chính sách, chăm lo cho người lao động và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long
TIẾN SỸ - VIẾT HIỀN