Chờ đợi đột phá từ kiểm soát thủ tục hành chính
Kể từ hôm nay (22.2), Quy chế hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh có hiệu lực thi hành. Ðây là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, qua đó tạo đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính nói riêng, cải cách hành chính nói chung.
Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An, Quy chế đã đề ra nguyên tắc quan trọng là quy trình kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) phải được thực hiện chặt chẽ, xuyên suốt trong các hoạt động: Thẩm định, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC; công bố, công khai TTHC; rà soát, đánh giá TTHC; xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC; giải quyết hồ sơ TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính đảm bảo không có TTHC ban hành trái thẩm quyền. Kịp thời phát hiện, đơn giản hóa theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh TTHC để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC.
Quy chế hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh đã quy định rất chặt chẽ về đầu mối kiểm soát TTHC, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này.
- Trong ảnh: Hướng dẫn người dân thực hiện TTHC tại bộ phận Một cửa của UBND thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: N.V.T
Đặc biệt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp, trước UBND tỉnh đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan phải tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ liên quan đến công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh.
● Lâu nay vẫn có tình trạng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành khi chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn về kiểm soát TTHC, dẫn đến bị “tuýt còi”. Quy chế hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào, thưa ông?
- Quy chế đã quy định rõ việc lấy ý kiến và tham gia ý kiến đối với quy định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Theo đó, khi được giao nhiệm vụ chủ trì lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh và xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh, UBND tỉnh có quy định về TTHC, cơ quan chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến của Văn phòng UBND tỉnh về quy định TTHC theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC.
Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ yêu cầu của việc quy định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh, UBND tỉnh theo quy định; tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến (nếu cần thiết) và gửi văn bản tham gia ý kiến cho cơ quan chủ trì soạn thảo chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan cho ý kiến; trường hợp không tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan chủ trì soạn thảo phải giải trình cụ thể. Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến được gửi đồng thời đến Văn phòng UBND tỉnh để theo dõi, quản lý theo quy định.
Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý, tổng hợp, tiếp thu, giải trình về quy định TTHC phải hoàn thành trước khi gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
● Bên cạnh công tác phối hợp, ông có thể thông tin thêm các quy định về nhân lực thực hiện công tác kiểm soát TTHC trong Quy chế?
- Quy chế đã quy định rất chặt chẽ về cán bộ, công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC với nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động cụ thể.
Về cơ cấu, số lượng cán bộ đầu mối các cấp, đối với cấp tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh phân công không quá 9 cán bộ đầu mối, bao gồm lãnh đạo Văn phòng, công chức thuộc Phòng Kiểm soát TTHC và Phòng Hành chính - Tổ chức; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phân công 3 cán bộ đầu mối. UBND cấp huyện phân công 3 cán bộ đầu mối; UBND cấp xã phân công 2 cán bộ đầu mối.
Cán bộ đầu mối sẽ tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai và tổng hợp, báo cáo các nhiệm vụ kiểm soát TTHC; rà soát, đánh giá TTHC; cải cách TTHC; giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; quản lý, công bố TTHC, danh mục TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính thuộc trách nhiệm, thẩm quyền thực hiện của cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, làm đầu mối phối hợp, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các bộ phận chuyên môn trong cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến kiểm soát TTHC. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị khác trong triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC; cải cách TTHC; giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và các nội dung nhiệm vụ có liên quan khác của tỉnh khi có đề nghị…
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)