Làng nghề rượu Bàu Ðá tất bật sau Tết
Sau Tết, làng nghề truyền thống rượu Bàu Ðá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) bước vào giai đoạn có khí hậu thuận lợi nhất trong năm để làm ra những mẻ rượu ngon. Bên cạnh sản xuất rượu, làng nghề còn chung tay phát triển du lịch.
Tập trung sản xuất sau Tết
Ông Nguyễn Đợi, chủ cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá Chín Đợi, cho biết: Đợt Tết vừa qua, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 nhưng nhà tôi nấu, bán được khoảng 700 - 800 lít rượu nếp, rượu gạo, rượu đậu xanh… Nếu mấy năm trước người ta chủ yếu mua tại các quầy hàng dọc đường lớn thì bây giờ nhiều khách tìm đến tận làng nghề để mua. Từ nay đến tháng 4 âm lịch, khí trời mát mẻ, gió nồm nhè nhẹ là thời tiết lý tưởng để nấu ra những mẻ rượu ngon nhất. Chính vì thế, nhà tôi và nhiều hộ nấu rượu ở đây nấu nhiều hơn một chút, ủ bán dần đến Tết năm sau. Rượu Bàu Đá ủ càng lâu càng ngon.
Bà Năm bên tủ trưng bày rượu mới.
Còn bà Nguyễn Thị Năm, chủ cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá Năm Phượng, chia sẻ: Cũng như nhiều hộ khác ở đây, đợt Tết vừa qua nhà tôi bán được kha khá. Tôi chỉ nghỉ mùng 1 Tết, những ngày còn lại thì nấu nhiều gấp 2 - 3 lần ngày thường. Bây giờ mọi thứ rất thuận lợi, khách chỉ cần gọi điện tới đặt mua là mình gửi xe đi và nhận tiền qua tài khoản ngân hàng. Chính vì vậy tôi có nhiều khách ở xa như Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn… Mới đây, tôi xây lại bếp nấu rượu và còn sắm một tủ mới để trưng bày. Sắp tới là giai đoạn nấu rượu ngon nhất, dù giá gạo, nếp tăng nhưng tôi cố gắng nấu nhiều hơn để có bán kiếm thêm thu nhập.
Không chỉ chú trọng làm ra rượu ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều hộ dân trong làng nghề rượu Bàu Đá cũng quan tâm nhiều hơn đến biển hiệu, nhãn mác, dần thay thế chai nhựa bằng chai thủy tinh để đựng rượu, quảng bá thương hiệu của làng nghề nhiều hơn.
Chung tay phát triển du lịch
Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá được bao quanh bởi ruộng đồng, không khí yên bình, mát mẻ. Từ cổng làng nghề đi vào, người ta dễ dàng nhận ra những cơ sở nấu rượu Bàu Đá truyền thống mà họ ưa chuộng qua những biển hiệu. Thời gian gần đây, làng nghề hướng đến phát triển du lịch.
Biển hiệu chỉ dẫn du lịch hộ gia đình làng nghề truyền thống của cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá Hoa Thưởng.
Ông Lê Văn Thưởng, chủ cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá Hoa Thưởng - Chủ tịch Hiệp hội rượu Bàu Đá tỉnh Bình Định, chia sẻ: Hiện nay, có 33 hộ nấu rượu Bàu Đá theo phương thức thủ công truyền thống tại thôn Cù Lâm. Bà con nào ở đây cũng mong muốn rượu ngon mình nấu được nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, bà con còn mong muốn làng nghề của mình trở thành điểm đến tham quan, du lịch. Thời gian qua, mọi người ý thức hơn trong việc chung tay xây dựng thương hiệu rượu của làng nghề và hướng đến phát triển du lịch. Vào cuối năm ngoái, nhà tôi đã tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các hộ gia đình thí điểm phát triển du lịch làng nghề tỉnh Bình Định. Từ năm nay, tôi sẽ cố gắng sửa sang nhà cửa để có thể làm du lịch theo hình thức homestay, giúp khách du lịch trải nghiệm cuộc sống ở đây. Tôi nghĩ nhiều người sẽ thích thú khi tìm hiểu cách người dân làm ra loại rượu trứ danh này.
Ông Dương Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: Vừa qua, nhà thờ tổ của làng nghề thuyền thống rượu Bàu Đá được xây dựng lại. Đây là nơi tụ họp của người dân làng nghề trong dịp Giỗ tổ làng nghề vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, để tưởng nhớ công ơn vị Tổ sư, là người đầu tiên nấu rượu và truyền nghề cho con cháu. Đây còn là điểm đến được đưa vào trong dự án phát triển du lịch tại làng nghề. Trong thời gian tới, làng nghề sẽ từng bước được đầu tư hệ thống giao thông, khôi phục lại bàu Đá, tạo cảnh quan, môi trường sạch sẽ… để phát triển du lịch.
Bài, ảnh: HUỲNH THÀNH