Có một nơi để nhớ Yến Lan
Cuối năm 2020, từ tấm lòng kính nhớ ông nội mình - nhà thơ Yến Lan, anh Lâm Trường Ðịnh đã hoàn thành phòng lưu niệm về ông với không gian trang trọng hơn tại phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn.
Còn nhớ dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan (tên thật Lâm Thanh Lang) cách đây 5 năm, tại một hội thảo tổ chức ở Hà Nội nhằm góp thêm một góc nhìn về những đóng góp của nhà thơ Yến Lan với thi ca Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có đề xuất xây dựng nhà lưu niệm thi sĩ tài hoa này. Đầu tháng 3.2016, trong chương trình tọa đàm “Yến Lan - một nhân cách, một sự nghiệp thi ca” tổ chức tại TX An Nhơn các nhà văn, nhà thơ cũng nêu những ý tưởng, đề xuất cần quan tâm hơn đến việc tôn vinh nhà thơ Yến Lan tại quê hương. Điều này một phần cũng xuất phát từ việc gian phòng thờ ông tại nhà riêng (ở phường Bình Định, TX An Nhơn) còn nhỏ hẹp, chật chội khi tiếp đón nhiều khách trong dịp kỷ niệm, đồng thời cũng khiến việc trưng bày tác phẩm, hiện vật, hình ảnh liên quan đến nhà thơ bị hạn chế.
Một góc phòng lưu niệm nhà thơ Yến Lan tại khu vực Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn.
Đến cuối năm 2020, những điều mong mỏi trên phần nào được đáp ứng , anh Lâm Trường Định hoàn thành xây dựng phòng lưu niệm nhà thơ trong ngôi nhà của gia đình tại khu vực Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn. Trong gian chính anh cho đặt các tủ kính chứa các tập tư liệu về nhà thơ Yến Lan; sổ tang ghi nhận những cảm xúc, chia sẻ của nhiều người đến viếng đám tang nhà thơ ngày 5.10.1998; sáng tác của nhà thơ Yến Lan và những bài viết về ông. Đồng thời còn tập hợp nhiều bức thư của độc giả, đồng nghiệp, bạn bè thân thiết gửi nhà thơ; những bài báo viết về Yến Lan.
Không chỉ có vậy, gia đình nhà thơ còn rộng cửa chia sẻ nguồn tư liệu giá trị về nhà thơ Yến Lan đối với những những người yêu văn chương, hay sinh viên, nghiên cứu sinh có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về thi sĩ tài hoa của Việt Nam nói chung và quê hương Bình Định nói riêng. Một tấm phản gỗ, bàn được bố trí ở một góc phòng có cửa sổ kính lớn nhìn ra bên ngoài rợp bóng tre xanh, khách có thể ngồi thoải mái ở đây để trò chuyện, đọc tài liệu.
Trên bức tường gạch được sắp đặt trang trí tạo vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi của phòng lưu niệm, có treo chứng nhận về nhiều cống hiến của nhà thơ Yến Lan. Tiêu biểu nhất là Giải thưởng Nhà nước về văn học được Chủ tịch nước truy tặng cho nhà thơ Yến Lan năm 2007, là tác giả của các tập thơ: Những ngọn đèn (1957); Tôi đến tôi yêu (1965), Lẵng hoa hồng (1968). Giải văn học nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn 5 năm lần thứ nhất (1990 - 1995) được Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng cho tác giả Yến Lan (Chi hội Văn học Nghệ thuật An Nhơn) với tác phẩm thơ “Cầm chân hoa” (xuất bản năm 1991). Bên cạnh đó, ông còn được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất.
Thêm cảm xúc cho khách khi đọc những câu thơ của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn tặng Yến Lan năm 1996, được viết lại rồi nhũ vàng trang trọng và đóng khung treo trên tường: “Bến My Lăng, bến ấy ở đâu?/ Trời tĩnh mịch, trăng rơi vàng, thuyền đợi khách/Đất Bình Định, đất này lạ nhỉ !/ Rượu ân tình, hoa tư tưởng, xứ lên men”. Trong phòng lưu niệm còn trưng bày nhiều hình ảnh, vật dụng của Yến Lan khi còn sống, từ chiếc mũ ông từng đội, bầu rượu có khắc chữ “Bến My Lăng”, chiếc đồng hồ để bàn… gợi nhớ về một nhà thơ tài hoa đã “để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng”.
Không gian bên ngoài sân vườn nhà từ đường có phòng lưu niệm cũng “nên thơ” với cầu cảnh nhỏ trên hồ cá, nhiều cây xanh, hoa đang tiếp tục được trồng thêm tạo cảnh quan đẹp. Anh Lâm Trường Định tâm sự: Gia đình chúng tôi luôn sẵn lòng tiếp đón, trò chuyện, chia sẻ với mọi người về thăm phòng lưu niệm nhà thơ Yến Lan. Nếu được ngành Văn hóa, Du lịch, chính quyền địa phương quan tâm, chúng tôi sẵn sàng phối hợp để có thể hướng đến phát huy được phòng lưu niệm trở thành một “điểm đến mới” cho những người yêu văn thơ kết hợp góp phần phục vụ phát triển du lịch TX An Nhơn.
Bài, ảnh: HOÀI THU