Phù Cát cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Phát triển sản xuất nông nghiệp được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc thay đổi diện mạo Phù Cát. Bởi nếu thành công không những thay đổi căn bản cốt lõi nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập người dân, mà còn tạo nguồn lực tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực khác.
100% diện tích lúa trên địa bàn huyện Phù Cát được thu hoạch bằng máy.
Nhiều năm qua, Phù Cát tập trung quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT, đầu tư hoàn thiện đồng ruộng từ hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi… để chủ động tưới tiêu, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ sở thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa trên cùng một đơn vị diện tích.
Sau khi hệ thống kênh mương Văn Phong, Thuận Ninh vận hành, diện tích ruộng đồng được đảm bảo nước tưới mở rộng, trong đó diện tích trồng cây lương thực được hơn 15.300 ha. Cùng với đó, nhờ triển khai tốt Đề án cải tạo bộ giống lúa thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, huyện đã có vùng sản xuất giống cấp 1 và sử dụng giống lúa lai bình quân hằng năm trên 500 ha ở các xã Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Tân, Cát Tài, Cát Minh, Cát Thắng, Cát Hưng… Nhờ vậy, không những sản lượng tăng lên đến mức bình quân đạt gần 97.000 tấn/năm mà chất lượng cũng vượt trội so với trước; thu nhập đầu người năm 2020 cán mức 47 triệu đồng/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2019, hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,88%.
Giữ cây lúa làm lõi, đồng thời Phù Cát còn quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng hình thành vùng đậu phụng, hành, ớt, bắp lai và rau màu các loại. Tổng cộng trong chừng 5 năm qua, Phù Cát đã chuyển đổi trên gần 3.500 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, bắp lai, dưa... thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã thực hiện 200 mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trên diện tích 10.221 ha, sản xuất trên cây lúa, đậu phụng, mì xen đậu và công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa, 1 vụ màu có nhiều tiến bộ. Nhìn chung, nhờ chuyển đổi tốt giá trị bình quân 1 ha canh tác đạt 119,4 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so năm 2019; nhiều cánh đồng ở các xã Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Tài, Cát Hải, Cát Hanh… đạt trên 200 triệu đồng/ha. Các lĩnh vực khác như: Chăn nuôi, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều tiến triển khả quan. Đời sống kinh tế khá lên, các cơ sở hạ tầng khác như: Điện lưới, cung cấp nước sạch, đường giao thông, trường học, trạm xá, nhà văn hóa, sân thể thao cũng hoàn chỉnh dần.
Mô hình nuôi cá lồng bè tại hồ Mỹ Thuận, xã Cát Hưng đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Mai Sào, một người dân ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải vui mừng trước sự thay da đổi thịt của quê hương: “Trong những năm gần đây, tôi thấy quê hương Cát Hải có nhiều sự thay đổi; nhất là đường đi lối lại làm bằng bê tông xi măng, đi lại rất thuận tiện; trường học, trạm xá xây dựng bài bản. Nói chung, đời sống của người dân Cát Hải chúng tôi hôm nay là đã được cải thiện nhiều, nghèo thì cũng còn một ít, nhưng đói thì không”.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, Phù Cát tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Phù Cát đã đi đúng hướng, nên tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và DN để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đồng thời hướng tới tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của người dân; phấn đấu cuối năm 2021, huyện đạt chuẩn nông thôn mới”.
Bài, ảnh: THẾ HÀ