Giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LÐ-TB&XH đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2021.
Mô hình hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản do xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) thực hiện suốt 4 năm qua đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững. Ảnh: UBND xã Phước Thắng
Những quy định mới
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thực hiện hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, từ ngày 1.1.2021, tỉnh tiếp tục lấy chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách KT-XH khác trong năm 2021. Theo đó, về thu nhập, chuẩn nghèo là 700 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Chuẩn cận nghèo là 1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Về mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, thì dựa vào 5 dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) và 10 chỉ số đo lường (tiếp cận các dịch vụ y tế, BHYT, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà vệ sinh hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin).
Năm 2021 tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đối với 3 huyện nghèo là Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và 18 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 thuộc 4 huyện, thị xã theo Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 25.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong số 18 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang này, xã nào đã được cấp có thẩm quyền công nhận lên phường, thị trấn hoặc đã có Quyết định đạt chuẩn nông thôn mới rồi thì không được áp dụng cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 nữa. “Chẳng hạn như xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) đã lên thị trấn hay xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12.2020 thì không áp dụng cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trong năm nay”, ông Hùng dẫn chứng.
Bám sát, linh hoạt với thực tiễn
3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão đã hết sức phấn khởi khi biết tin về việc tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn. Thông tin từ Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của 3 huyện miền núi vào khoảng 30,5 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng cơ bản đảm bảo đáp ứng cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. 100% xã, thị trấn đạt các tiêu chí quốc gia về giáo dục, y tế… Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho các huyện. Ông Đặng Hữu Lập, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh cho biết, công tác xuất khẩu lao động vốn là một trong những thế mạnh trong công tác giảm nghèo của huyện đang gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, một số mô hình phát triển sản xuất được triển khai cũng đang gặp khó do bế tắc đầu ra nông sản. “Vậy nên, cùng với nỗ lực của địa phương, những cơ chế, chính sách được triển khai trợ lực kịp thời, hỗ trợ địa phương những nguồn vốn để tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, tổ chức những mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp điều kiện thực tiễn là hết sức quan trọng trong công tác duy trì kết quả giảm nghèo đã đạt được thời gian qua”, ông Lập trao đổi. Cũng phấn khởi với việc được tiếp tục thụ hưởng cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn trước, với quyết tâm vượt khó giảm nghèo tốt nhất có thể, Phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Canh thực hiện chỉ đạo của UBND huyện yêu cầu từng thôn, xã khảo sát nguyện vọng của người dân để đề xuất mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp điều kiện thực tế hiện nay, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Liên quan đến việc các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang trong tỉnh đã được cấp có thẩm quyền công nhận lên phường, thị trấn hoặc đã có quyết định đạt chuẩn nông thôn mới rồi thì không được áp dụng cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 nữa, chúng tôi đã về các địa phương tìm hiểu “tâm tư nguyện vọng”. Đa số xã đã chủ động tìm kiếm giải pháp để đảm bảo việc hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, duy trì tiêu chí đã đạt và đầu tư đón đầu để sau này xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) nhận Quyết định công nhận về đích nông thôn mới vào tháng 10.2020. Suốt quá trình 4 năm (2017 - 2020) xây dựng nông thôn mới, xã đạt tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản đã giúp hơn 90 hộ dân thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: “Một trong những nỗi lo khi xã không còn được hưởng chế độ bãi ngang là vận động người dân mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, nhờ trong 4 năm được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua thẻ, người dân đã ý thức được những lợi ích của việc này mang lại nên đến nay tỷ lệ mua thẻ đã đạt được 85%. Không còn khoản kinh phí cấp cho xã bãi ngang (hơn 1 tỷ đồng/năm), chúng tôi tăng cường giải pháp khai thác nguồn thu từ quỹ đất và vận động một số nguồn lực khác để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện bộ mặt nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển sinh kế”, ông Công cho hay.
NGỌC TÚ