Chủ động sản xuất giống thủy sản
Kế hoạch năm nay, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NN&PTNT) sẽ sản xuất hơn 8,4 triệu con giống thủy sản nước mặn, lợ, ngọt để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Kiểm tra cá giống tại Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản cơ sở Mỹ Châu.
Năm 2021, Trung tâm Giống nông nghiệp được UBND tỉnh giao thực hiện dịch vụ công trên lĩnh vực sản xuất và cung ứng con giống thủy sản với 6 sản phẩm, gồm: Cá rô phi, cá chép, cá koi (thủy sản nước ngọt) và cá chẽm, cá mú, tôm sú (thủy sản nước mặn, lợ). Đơn vị đề ra kế hoạch sản xuất hơn 2,6 triệu con giống cá rô phi, cá chép; 5,7 triệu con tôm sú; hơn 140 nghìn con giống cá chẽm, cá mú đen chấm nâu; 12.000 con cá Koi.
Hiện, Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản cơ sở tại Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) và cơ sở tại Cát Tiến (huyện Phù Cát) - trực thuộc Trung tâm đang sản xuất giống thủy sản và cung ứng ra thị trường.
2 tháng đầu năm nay, Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản cơ sở tại Mỹ Châu đã sản xuất được 18.000 con cá trắm, trôi, mè; 93.808 cá chép; 31.403 cá rô phi; 1.961 cá koi. Trưởng trạm Nguyễn Văn Thuận cho hay: “Cơ sở hiện có 4 hồ chứa nước Hóc Hòm, Hóc Lách, Đồng Đèo 1, Đồng Đèo 2 đã tích đủ 100% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp nước tưới cho nông dân xã Mỹ Châu trong vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021, chúng tôi cũng phải sử dụng nguồn nước tiết kiệm trong quá trình sản xuất giống thủy sản nước ngọt bằng cách sử dụng men vi sinh, dùng máy sục khí nhằm hạn chế tối đa thay nước trong các ao nuôi, bể ương, đảm bảo cá nuôi sinh trưởng tốt”.
Không những cung cấp con giống, Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản cơ sở Mỹ Châu còn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi. Ông Nguyễn Văn Sánh, người nuôi cá ở xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân), chia sẻ: “Tôi có 3 ao nuôi cá theo hình thức nuôi gối đầu, mỗi ao thả khoảng 1.500 con cá trê, điêu hồng, rô phi đơn tính. Tôi mua cá giống tại Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản cơ sở Mỹ Châu, quá trình nuôi được hướng dẫn kỹ thuật thả cá, cho cá ăn theo công thức, sử dụng chế phẩm vi sinh phòng ngừa dịch bệnh, nhờ đó cá nuôi sinh trưởng tốt, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng”.
Kiểm tra con giống thủy sản tại Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản cơ sở Cát Tiến.
Trong khi đó, Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản cơ sở Cát Tiến đến nay cũng sản xuất 1,5 triệu con tôm sú, 12.000 cá chẽm. Đơn vị đã xuất bán 960 nghìn con tôm sú, 8.600 con giống cá chẽm. Ông Đoàn Văn Quyền, Phó trưởng trạm, cho biết: “Cơ sở hiện có 2 trại nuôi cá, tôm với 28 bể nuôi cá bố mẹ, cá giống; tôm sú bố mẹ; bể ương ấu trùng tôm được trang bị hệ thống oxy liên hoàn, hệ thống lọc nước tuần hoàn, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước. Riêng nước trong các bể được xử lý, đánh giá trước khi xả thải nhằm bảo vệ môi trường. Quá trình nuôi, tôm nuôi được cho ăn 6 lần/ngày, cá nuôi 2 lần/ngày; với tôm bố mẹ qua 3 lần sinh sản phải xả thải (loại bỏ) theo quy định”.
Ông Phan Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, cho hay: Cùng với việc sản xuất các giống cá nêu trên, trung tâm chỉ đạo các trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản sản xuất các giống thủy sản nước mặn, lợ, ngọt khác sẵn có, như: Cá trê lai, lăng nha, chạch bùn, điêu hồng, thác lác cườm; cá bớp, cá mú đen chấm nâu, hàu Thái Bình Dương, cua xanh… để cung cấp cho người nuôi thủy sản trong và ngoài tỉnh. Riêng giống cá bớp, cá mú đen chấm nâu được đơn vị thực nghiệm sinh sản nhân tạo thành công năm 2020, đến nay sản xuất để cung ứng giống cá mới cho người nuôi. Giống cá bớp, cá mú bố mẹ được chúng tôi tuyển chọn, nuôi vỗ cho đẻ trứng; trứng được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi ương nuôi nở thành cá bột, rồi từ đàn cá bột được ương lên cá hương và tiếp tục ương lên cá giống đến kích cỡ thương phẩm sẽ xuất bán.
Bài, ảnh: ÐOÀN NGỌC NHUẬN