TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ 2021:
Hoạch định chiến lược phát triển
Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN TỰ CÔNG HOÀNG
Ngày 1.3, Bình Ðịnh cùng với cả nước bắt đầu Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế 2021 của tỉnh, cho hay, các dữ liệu điều tra sẽ đánh giá toàn diện thực trạng, xu hướng, tạo cơ sở xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển KT-XH của tỉnh và cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Tổng điều tra kinh tế năm 2021 (TĐT) có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. TĐT thu thập thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế (DN, HTX; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng) phục vụ đánh giá tình hình phát triển số lượng, quy mô, lao động, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và mức độ ứng dụng CNTT… làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế của đất nước, của tỉnh. Đây cũng là cơ sở để tính toán và tổng hợp chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP).
Đáp ứng yêu cầu quản lý
● Những điểm mới của TĐT 2021 so với các cuộc Tổng điều tra trước đây là gì, thưa ông?
Thời gian thu thập thông tin của TÐT: Từ ngày 1.3 - 10.5 đối với DN; từ ngày 1.3 - 10.4 đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội; từ ngày 1 - 25.7 đối với cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Kết quả sơ bộ TÐT sẽ công bố vào tháng 12.2021 và công bố chính thức tháng 2.2022.
- TĐT năm 2021, đối với Trung ương thành lập riêng Ban Chỉ đạo TĐT kinh tế (do Bộ KH&ĐT chủ trì) và Ban Chỉ đạo điều tra cơ sở hành chính (do Bộ Nội vụ chủ trì). Cấp tỉnh chỉ thành lập một Ban Chỉ đạo TĐT kinh tế và điều tra cơ sở hành chính.
So với các TĐT kinh tế (hay TĐT cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp) trước đây, TĐT năm nay nhiều điểm mới. Trong đó, bổ sung thu thập thông tin về ứng dụng CNTT, phục vụ phản ánh kinh tế số ở Việt Nam; xác định và nhận dạng đối tượng điều tra, đơn vị điều tra; cải tiến cơ bản phiếu điều tra; ứng dụng triệt để CNTT trong tất cả công đoạn, nội dung điều tra được thiết kế trong các bảng hỏi điện tử (Web-form) và phiếu điện tử (CAPI), hoàn toàn không sử dụng phiếu giấy.
● Việc triển khai TĐT của tỉnh được thực hiện như thế nào?
- TĐT yêu cầu phải đúng đối tượng, đơn vị điều tra, thông tin điều tra phải đảm bảo đầy đủ, kịp thời, không trùng lặp, không bỏ sót, phù hợp điều kiện thực tế.
Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh và Tổ thường trực Ban Chỉ đạo, 11 Ban Chỉ đạo cấp huyện và Tổ thường trực, 148/159 Ban Chỉ đạo cấp xã; với 1.091 thành viên tham gia. Ngoài ra, còn có 22 thành viên thuộc 11 xã miền núi có dưới 50 cơ sở kinh tế không thành lập Ban Chỉ đạo, do Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo công chức Văn phòng - Thống kê xã làm thường trực TĐT.
Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh triển khai hội nghị và tập huấn nghiệp vụ TĐT cho các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp và Tổ thường trực.
Đến nay, tỉnh đã triển khai các kế hoạch, hoạt động phục vụ TĐT. Lập, rà soát và tổng hợp danh sách đơn vị thuộc các nhóm đối tượng điều tra, gồm: Danh sách toàn bộ DN, HTX trên địa bàn; cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; cơ sở sự nghiệp, hiệp hội; cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp; tổ chức chính trị - xã hội; cơ sở trực thuộc cơ quan, đơn vị, tổ chức nói trên (không bao gồm các đơn vị sự nghiệp, cơ sở kinh tế); cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Công tác tập huấn nghiệp vụ TĐT cũng đã tổ chức cho Ban Chỉ đạo và các Tổ thường trực...
Cơ sở để hoạch định chính sách
● Cuộc TĐT này chỉ thống kê số liệu hay là đưa ra cái nhìn cụ thể về thực trạng DN?
- Ngoài thu thập số liệu thống kê, TĐT sẽ đánh giá toàn diện thực trạng sản xuất, kinh doanh của DN thông qua các chỉ tiêu chất lượng, hiệu quả, thể hiện 5 nhóm thông tin: Nhận dạng đơn vị điều tra; lao động và thu nhập của người lao động; kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh (tài sản, nguồn vốn, kết quả hoạt động, chi phí sản xuất kinh doanh, thuế và các khoản nộp ngân sách, vốn đầu tư, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), tiêu dùng năng lượng…); ứng dụng CNTT; tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên đề.
● Những dữ liệu này giúp gì cho việc hoạch định chính sách của tỉnh, thưa ông?
- TĐT kinh tế năm 2021 là một trong 3 cuộc TĐT hết sức quan trọng do ngành Thống kê thực hiện, sẽ cung cấp số liệu toàn bộ về khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ; giúp phản ánh quy mô GDP, cơ cấu từng ngành kinh tế trong GDP, làm tiền đề quan trọng cho việc tính toán số liệu GDP của toàn quốc, GRDP của các địa phương và tỉnh Bình Định.
Ngoài thu thập số liệu thống kê, Tổng điều tra sẽ đánh giá toàn diện thực trạng sản xuất, kinh doanh của DN, trong đó quan trọng là đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
- Trong ảnh: Dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định.
Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, địa phương, giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước; nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và từng ngành, từng địa phương để từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển; xác định những tiềm năng, lợi thế cần phải khai thác; nhận diện những rào cản, thách thức; và quan trọng nhất là đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo, điều hành phù hợp phát triển nền kinh tế.
Kết quả của cuộc TĐT lần này cũng sẽ là căn cứ quan trọng để thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn của bộ, ngành và của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Công tác TĐT có quy mô rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau. Vì vậy, sở, ban, ngành, UBND các cấp cần phối hợp chặt chẽ với ngành Thống kê tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất tuyên truyền và triển khai thực hiện TĐT. Tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin từ dữ liệu quản lý hành chính cho mục tiêu TĐT như dữ liệu thuế, đăng ký kinh doanh, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin - truyền thông…
● Xin cảm ơn ông!
THU HIỀN (Thực hiện)